Nắng mùa gặt
Xã hội - Ngày đăng : 13:48, 23/06/2021
“Nắng tháng năm kén tằm vàng óng” - câu ca xưa cứ ngọt lịm trong lòng mỗi người khi nhớ về tháng năm, nhớ nắng mùa gặt - thứ nắng vàng ươm như tơ tằm, như mật ngọt rót xuống đồng quê trong mùa gặt chiêm. Bồi hồi nhìn từng cụm mây lững lờ trôi trong bầu trời đi ra biển để lại đồng quê một màu nắng và những cơn gió nồm nam mát rượi, gợn sóng lúa vàng. Đồng quê bát ngát một màu vàng nắng ấm no. Thương con cá rô đồng không còn được tung tăng luồn qua những cây lúa, đớp bóng vu vơ. Thay vào đó là từng tốp, từng tốp người nón trắng nhấp nhô trên cánh đồng đang nhanh tay liềm, tay hái gặt lúa. Những bông lúa hạt mẩy đều như quả ruối chín nặng trĩu trên tay, công sức vất vả của bao tháng ngày được gom, bó lại xếp thành từng đống nhỏ trên bờ. Cùng với đó là tiếng máy gặt cũng đang hối hả trên cánh đồng, tạo thành khung cảnh rộn rã đồng quê vào vụ gặt chiêm với niềm say mê, hối hả, gặt trước khi cơn áp thấp nhiệt đới và bão sớm đổ về. Nắng mùa gặt cứ ngời ngời sắc vàng trên cánh đồng làng, ngan ngát hương thơm lúa mới. Lúa năm nay cấy giống mới, no nước, đủ phân, chăm bón tưới tiêu đúng thời vụ nên năng suất cao hơn mọi năm. Niềm vui mùa gặt đến với mọi người, mọi nhà trong làng quê đang từng ngày đổi mới, nâng cao. Đường làng đổ bê tông rộng rãi, thênh thang cho các xe chở lúa về. Mấy ngày gặt rộ, máy tuốt lúa làm việc cả ngày đêm dưới ánh điện ngời sáng. Làng quê rộn rã tiếng máy, tiếng nói cười, hỏi thăm nhau lúa năm nay tốt hơn trước, mỗi sào được mấy tạ? Nhớ dịp ấy, đúng vào đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, để giãn cách, làng phải phát thẻ ngày chẵn, lẻ cho người ra đồng. Thế mà cây lúa vẫn được gieo cấy, chăm bón đúng kỹ thuật theo thời gian sinh trưởng, lúa vẫn bội thu. Thế mới biết ta thắng dịch Covid-19 ngay trên cánh đồng làng, nhưng thật vất vả, gian nan. Hạt thóc, hạt lúa vàng có mồ hôi, có cả công phòng chống dịch Covid-19. Hạt thóc phải trải qua những ngày đông giá rét cắt da; những ngày làm đất, gieo mạ, lấy nước đổ ải, cắm cây lúa, tay rét run, sợ lúa chết, mạ hết. Có được hạt thóc chiêm như hôm nay là cả sự vất vả của nhà nông, thay vào đó là niềm vui được mùa cứ theo năm tháng nhân lên trong nắng mùa gặt. Nhớ câu ca dao xưa trong những ngày tát nước đổ ải cấy lúa chiêm xuân: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” để cho nắng tháng năm có lúa chín thơm vàng óng.
Vất vả đấy, nhưng làng quê lúa nào cũng rộn rã tiếng nói cười, tiếng gầu tát nước đêm trăng và những lời tỏ tình vu vơ, là niềm vui của lớp lớp trai gái trong làng. Bây giờ việc trên đồng, nhiều khâu được làm bằng máy. Nam nữ thanh niên trong làng chủ yếu đi làm ở các khu công nghiệp. Đến công ty khi thì xe máy, lúc ô tô đưa đón về tận làng, ăn mặc đẹp, sạch sẽ, không còn cảnh quần áo lấm lem bùn đất. Các cô gái làm duyên mặc áo chống nắng, chỉ để hở hai con mắt, miệng đeo khẩu trang, chẳng nhận ra ai chỉ nghe thấy tiếng chào, tiếng cười và ánh mắt thân thương. Những khi cần “nói nhỏ” điều gì chỉ cần “nhắn tin” hoặc “tâm sự” chia sẻ nỗi niềm thì dùng Zalo. Thời hiện đại là thế, không cần chờ “tát nước đêm trăng” hay “để quên chiếc áo trên cành hoa sen” để tỏ tình. Làng quê chỉ rậm rịch những ngày mùa gặt, còn sau mùa thì lại yên ả, thanh bình. Làng quê vẫn là nơi ta ở, nơi ta đi về, nơi nuôi giữ ấp ủ tuổi thơ. Dù đi đâu, ở đâu ta vẫn nhớ về làng quê của mình, nhớ đồng làng trong mùa lúa chín, nhớ tiếng cười và màu áo em xanh, nhớ nắng tháng năm, nắng mùa gặt cứ ngời lên trong sắc nắng quê nhà.
VŨ HOÀNG LUYẾN