Thảo thơm bưởi vườn

Xã hội - Ngày đăng : 11:25, 31/10/2021

Mùa này, cây bưởi vườn nhà nội đang độ chín già. Lứa bưởi đầu mùa bao giờ cũng sai những quả là quả

Mùa này, cây bưởi vườn nhà nội đang độ chín già. Lứa bưởi đầu mùa bao giờ cũng sai những quả là quả. Và thể nào, mấy đứa cháu của nội cũng đều than thở là mỏi tay, mỏi chân vì được nội sai đem quả đi biếu họ hàng, làng xóm. Từ ngày bưởi cho trái đến giờ, chưa một lần nội hái quả đem bán. Và chị em chúng tôi cứ quen nói đùa với nội rằng đó là “cây bưởi thảo thơm”.

Giống bưởi ông nội tôi đem về trong một dịp đi thăm một người bạn chiến đấu cách đây hơn chục năm. Cứ tưởng, với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất quê tôi sẽ chẳng thể là nơi lý tưởng để cho cây sinh trưởng. Vậy mà theo thời gian, qua bàn tay chăm sóc của nội, cây dần lớn lên, đơm hoa kết trái mùa nối mùa.

Năm tôi lên 10 tuổi, cây bưởi bắt đầu cho quả bói. Sáng rồi chiều, tôi cứ lăng xăng đảo quanh gốc bưởi chỉ để đếm xem có bao nhiêu quả. Quả lơ lửng, nép sau cành lá làm tôi đếm hoa cả mắt, chưa kể đó còn là vô số những chùm hoa trắng ngần, đưa hương thơm lựng. Nghe nội bảo bưởi chín và ngon nhất vào độ chính thu, tôi lại có thêm sở thích tính ngày tính tháng. Lòng tôi háo hức, bồn chồn lắm! Tôi trông đợi mùa bưởi chín như trông đợi món quà diệu kỳ nội vẫn thường tặng tôi vào những đêm trăng thanh gió mát - những câu chuyện cổ tích nhiệm màu.

Rồi mùa bưởi chín cũng đến. Tôi theo nội ra vườn thu hoạch quả. Nội chọn quả ngon nhất đặt lên bàn thờ ông. Ông tôi từng là một người lính. Sau những tháng năm ròng rã trên chiến trường, trở về quê hương, ông luôn sống rất mực thước, là tấm gương sáng cho con cháu. Ông qua đời sau một cơn bạo bệnh đúng vào mùa bưởi đang bắt đầu chín. Trước bàn thờ ông, bà nội tôi rơm rớm nước mắt. Tôi biết, nội đang nhớ thương ông rất nhiều. 

Bưởi chín mọng, ngon nhất thường có đặc điểm rất nổi bật là cầm nặng tay, tròn đều, vỏ mỏng và có màu vàng tươi sáng. Khi gọt lớp vỏ, bóc phần cùi trắng như lụa ra, tách từng múi bưởi sẽ thấy tép bưởi mềm và căng mọng nước. Mới đưa lên miệng thử một miếng đã cảm nhận được vị thanh mát, ngọt ngào lan tỏa trên đầu lưỡi, tươi tỉnh cả người. Dù ngon thế nhưng bao giờ đến mùa bưởi, bà nội tôi cũng bảo chị em tôi đem bưởi đi biếu họ hàng, xóm giềng, chứ không giữ lại ăn một mình. Ai được thưởng thức cũng xuýt xoa khen bưởi ngon. Nhiều người còn lấy hạt rải ở góc vườn, hy vọng có được cây giống quý. Ở quê chỉ có cây nhà lá vườn. Chỉ là trái bưởi thôi nhưng cũng là thức quà thảo thơm, là tấm lòng của nội lan tỏa tình yêu thương đến với mọi người.

Bưởi có rất nhiều công dụng hữu ích. Hoa bưởi ép lấy hương thơm. Vỏ bưởi đem phơi, nấu lấy nước gội đầu. Lớp cùi trắng còn được dùng để nấu chè. Lá bưởi dùng để nấu nước xông khi bị cảm cúm... Có lẽ vì thế nên thi thoảng, tôi vẫn thường thấy các bà, các cô trong xóm sang vườn nhà nội xin lá bưởi. Hạt bưởi được nội tôi để dành, bóc vỏ, sau đó tách đôi hạt rồi dùng dây đồng xiên vào thành chuỗi dài, uốn thành vòng tròn, đem phơi khô để dành đến mùa Trung thu. Kiểu gì khi ấy, chúng tôi cũng có đèn hạt bưởi để đi chơi trăng cùng bạn bè.

Những mùa bưởi chín cứ thế đi qua, giờ nội tôi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Cây bưởi trong vườn nội ngày một cao lớn, tươi tốt, quả sai trĩu cành. Những ngày thu se sẽ, trên cây bưởi, quả nào quả nấy vỏ đã nổi rõ những chấm gai lớn, báo hiệu một mùa bưởi chín lại về. Nội ngồi dưới hiên nhà, bỏm bẻm nhai trầu, bảo tôi đếm số bưởi chín để chuẩn bị làm quà. Lòng tôi lại háo hức như thuở nào! 

Tản văn của XANH NGUYÊN