Nhớ mùa đất ải

Xã hội - Ngày đăng : 11:31, 26/12/2021

Ô kìa! Một mùa khô nữa đã lại về. Cánh đồng vốn sình lầy đầy nước, giờ trở nên khô cong, nứt nẻ dưới cái hanh khô của nắng, của gió tháng mười một ta.

Ô kìa! Một mùa khô nữa đã lại về. Cánh đồng vốn sình lầy đầy nước, giờ trở nên khô cong, nứt nẻ dưới cái hanh khô của nắng, của gió tháng mười một ta. Nhìn những cánh đồng đó, bất giác tôi lại nhớ về những công việc quen thuộc của người nông dân: cày ải, đảo ải và đổ ải ở quê tôi một thời xa xôi.

Ngày ấy, một năm có hai vụ chính là vụ chiêm và vụ mùa. Nhưng chỉ sau khi gặt vụ mùa vào cuối tháng mười âm lịch, người ta đợi cho ruộng thật khô rồi mới cày ải. Từng thớ đất tơi xốp theo lưỡi cày bật tung lên, nằm ngửa hệch, phơi mình dưới nắng mặt trời, lại thêm được gió hanh khô quạt cho nỏ trắng đồng. Mẹ tôi bảo: "Một hòn đất nỏ, một giỏ phân". Đất càng nỏ, càng như giỏ phân đầy. Sau này, tra từ điển, tôi biết thêm rằng phơi ải chính là một biện pháp lợi dụng ánh nắng mặt trời để làm sạch đất, tẩy trùng, vệ sinh cho đất. 

Để đất ải được nỏ đều, sau khi mặt trên luống cày đã khô cong, nỏ trắng, người ta dùng cuốc đảo ải, lật mặt dưới lên để phơi cho cả hòn đất nỏ đều. Công việc tuy nặng nhọc nhưng nhìn hòn đất nỏ, đầy lỗ khí tơi xốp như củ khoai bở mà thấy vui con mắt, vui cả cái lòng. Thấy lấp ló hình ảnh của một vụ chiêm bội thu rất gần. Thấy yêu thương, gắn bó với quê hương, với thửa ruộng nhà mình hơn.

Cứ thế, hòn đất ải được phơi mình dưới nắng hanh khoảng 45 - 60 ngày. Đến giữa tháng chạp, theo lịch thời vụ của nhà nông, con nước mới từ các cửa cống, cửa sông trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được mở ra, đổ dồn về đầy ắp các con kênh, các dòng mương, bờ lô lớn, nhỏ, chảy tràn vào ruộng đồng, ngập các mô đất, ngập các đường cày. Đất nỏ, gặp nước đổ ải về, nó ngấm xèo xèo, sủi bọt, rồi bở tơi bùng bục. Chỉ cần khẽ chạm bừa vài lần là đất đã tan nhũn, mềm mại, ngả màu nâu non mỡ màng. Mấy chú dế trũi béo mầm mất chỗ trú, bơi ra ngo ngoe trong làn nước ruộng đục màu phù sa. Tôi khẽ vớt nó lên lòng bàn tay, cảm nhận cái cảm giác nhột nhột hơi kinh dị và cảnh giác với hai hàm răng đen nhánh của nó, lòng mơ hồ liên tưởng đến thế giới loài dế trong truyện của nhà văn Tô Hoài.

Nước ải về, các bác nông dân đổ ra đồng. Người đắp bờ. Người thì thùm tát nước. Cả cánh đồng làng vui như hội. Bao nhiêu là gầu dây, gầu đơn. Các ông, các bà, các cô, các chú, các chị cứ thỏa sức mà nhún chân, cứ thỏa sức mà vung gầu, thật nhịp nhàng, như có vần, có điệu. Gầu nào múc nước cũng chắc nịch, ngọt lịm, đầy ặp, đổ thùm thùm lên nong, lên máng. Nhìn cảnh tát nước ải, ai dám bảo lao động không phải là nghệ thuật? Nước từ mương máng, theo gầu đổ thùm thùm lên nong, tung bọt trắng xóa. Dòng nước ải mới trong ngần, đầy sinh khí, nhún nhảy, dắt tay nhau tràn vào ruộng như đang lướt một vũ điệu nhí nhảnh, tươi vui. Thỉnh thoảng lại thấy mấy chú rươi mình đỏ hoe, bơi lội tung tăng trong làn nước ải đang trôi về... 

Cả cánh đồng mới hôm qua còn ải trắng, khô cong. Vậy mà chỉ qua một đêm nước ải đổ về, nó đã thay da đổi thịt, trở thành một cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, long lanh màu nước bạc dưới ánh mặt trời. Một vụ cấy cày của nhà nông lại đến. Giờ đây đất ruộng đã được cày bừa bằng máy, không còn cày ải và lật ải thủ công nữa.

Dù tạm biệt ruộng đồng đã lâu nhưng trong ký ức và tâm hồn tôi vẫn không nguôi nặng lòng, không nguôi ân tình với ruộng đồng, với làng quê xứ sở. Mỗi khi quan sát mùa về, lòng tôi lại bồi hồi sống dậy một thời niên thiếu xa xôi, lại bồi hồi thương nhớ về miền quê, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ở nơi đó, tôi đã để lại từng hòn đất, từng bờ lô, từng thửa ruộng, từng chiếc gầu dây, từng con mương nhỏ, từng dòng nước mới. Cả mấy con dế nhỏ nữa... Tất cả như còn nguyên đó, được tôi cất kỹ trong một góc nhỏ của chiếc hộp thần kỳ màu xanh biếc, riêng tư, đặt sâu nơi tâm hồn. Để rồi thỉnh thoảng tôi lại mở ra thương nhớ, nhớ thương cả những mùa đất ải năm xưa.

Tản văn của HIỀN HÒA