Đầm ấm bữa cơm chiều cuối năm

Xã hội - Ngày đăng : 14:06, 31/01/2022

Ngày còn nhỏ, cứ sau ngày ông Táo về trời và khi công việc đồng áng đã vãn là mẹ tôi lại giục các con lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi các bình hoa, bát nhang trên ban thờ để chuẩn bị đón Tết.

Ngày còn nhỏ, cứ sau ngày ông Táo về trời và khi công việc đồng áng đã vãn là mẹ tôi lại giục các con lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi các bình hoa, bát nhang trên ban thờ để chuẩn bị đón Tết. 

Ngày ba mươi Tết nhà tôi cũng như biết bao các hộ dân quê đều rất bận rộn bởi vừa phải lo mua sắm Tết, vừa phải gói bánh chưng, mổ gà, đụng lợn… lại vừa phải chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên để đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết.

Nhà tôi nghèo lắm, hầu như quanh năm luôn thiếu đói và đứt bữa vào những độ giáp hạt. Vì vậy chỉ có mấy hôm Tết là anh chị em chúng tôi và cả ông bà, bố mẹ mới được ăn no một chút. Bữa cơm tất niên chiều cuối năm thường là bữa đầu tiên trong mấy ngày Tết cả nhà sum vầy đủ đầy và có nhiều thức ăn ngon nên tôi thường hồi hộp mong ngóng. 

Người ta thường nói rằng ăn Tết ngon nhất là bữa cơm tất niên bởi đó là ngày Tết đầu tiên nên mọi người vẫn chưa cảm thấy ngán đồ ăn. Mẹ biết anh em chúng tôi háo hức và đang tuổi ăn, tuổi lớn nên bữa cơm tất niên bao giờ bố mẹ cũng làm thật thịnh soạn để các con được thỏa thích, no nê. Khi cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, bao giờ mẹ tôi cũng nói các con ăn thoải mái đi vì đây là ngày Tết, không phải ngày thường mà phải tiết kiệm.

Có một năm, chị cả tôi đi làm ở Sài Gòn do lỡ tàu xe không về kịp nên bữa cơm tất niên năm ấy cả nhà kém vui. Mẹ và bố tôi buồn thương chị vất vả nên trong bữa cơm không khí trầm lắng hẳn đi. Mấy anh em chúng tôi ăn cũng cảm thấy không ngon vì nhớ chị, cảm thấy thiếu thốn, mặc dù thức ăn đầy mâm. Khi ăn xong, cả nhà đang ngồi uống nước mẹ bùi ngùi nói: "Chị Cả chúng mày vất vả quá, mưu sinh cả năm quần quật vậy mà có mỗi bữa cơm tất niên chiều cuối năm cũng không được đoàn tụ gia đình!”. 

Lúc còn nhỏ và chưa có dịp xa gia đình nên chúng tôi chưa thấu hiểu được ý nghĩa và sự quan trọng của ngày sum vầy đoàn tụ trong bữa cơm chiều cuối năm. Bà tôi vẫn thường bảo rằng: “Ngày Tết tha hương buồn lắm, nhớ nhà và người thân lắm, mặc dù có thể tiền bạc và mọi cái không thiếu thốn gì. Quê hương, gia đình là nguồn cội để ta trở về trong các dịp lễ, Tết, đình đám…”. Lớn lên tôi cũng hiểu được câu bà nói và tôi thấy quả là dù có làm ăn, sinh sống ở nơi đâu thì những ngày Tết người ta đều hối hả tìm về với gia đình, với quê hương để chung vui, họp mặt và đón Tết. Tôi chưa bao giờ phải đón một cái Tết thiếu cha thiếu mẹ và cũng chưa bao giờ vắng mặt trong bữa cơm gia đình chiều ba mươi Tết bởi gia đình tôi ở một miền ngoại thành gần gặn, thế nhưng bạn bè tôi cũng đã có quá nhiều người phải chịu cảnh đón Tết không gia đình và những người thân bên cạnh. Có người từng ước “Giá như chiều ba mươi Tết được sum vầy bên mẹ cha, bên người thân cùng mâm cơm tất niên chỉ toàn tương, cà, rau, muối… cũng được!”. Thế nhưng ước ao nhỏ nhoi đó nhiều khi cũng khó có thể thành hiện thực trong cuộc đời mỗi con người vì những yếu tố, hoàn cảnh khác nhau…

Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra, ở đó mỗi gia đình đều không muốn một thành viên nào phải tha hương vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui nhất…

Tản văn của NGUYỄN THỊ LOAN