Ngày nhập ngũ
Xã hội - Ngày đăng : 09:30, 15/02/2022
Keng… keng… keng…
Tiếng kẻng gióng giả từ nhà ông Đậu đội trưởng sản xuất nhắc nhở, báo hiệu mọi nhà biết hôm nay là ngày giao quân. Thời vụ đang kỳ nông nhàn, các thanh niên nam nữ chuẩn bị sẵn sàng đi đưa tiễn tân binh, yêu cầu càng đông càng vui, coi như ngày hội của thôn làng. Mặc dù cả xóm đợt này chỉ có hai tân binh là tôi và thằng Thảo, toàn xã đợt này có 7 người, nhưng như thế cũng là góp công của làng xã với huyện, tỉnh rồi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các địa phương sôi nổi thi đua với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đợt nào giao quân mà xóm không có tân binh thì coi như đánh vào tiêu chuẩn thi đua, ông đội trưởng rầu rĩ ra mặt. Ngày ấy chưa có trưởng thôn như bây giờ, thôn chia thành mấy đội sản xuất, có đội trưởng, đội phó và một người làm thư ký ghi chép công điểm cho xã viên. Cả thôn Đoàn Thượng có 5 đội sản xuất chỉ duy đội xóm tôi là có tân binh giao, thế nên lần này ông Đậu không giấu nổi tự hào, lên mặt với mấy ông đội trưởng khác. Oai thế!
Nói cho cùng, ngày ấy chiến tranh, trai tráng ai có sức khỏe ra trận hết. Ở hậu phương toàn ông già bà cả; phụ nữ thay chồng đảm đương việc nhà, việc đồng áng đến nuôi dạy con cái và tham gia các tổ dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời miền Bắc. Không khí chống Mỹ cứu nước được đẩy lên thành cao trào, đâu đâu cũng sục sôi khí thế cả nước ra trận. Đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu, đi đâu cũng thấy người ta mở radio thật to để nghe các bài hát chống Mỹ. Và không hiếm gặp người đi trên đường vừa đi vừa hát. Người ta hát ở khắp mọi nơi, từ họp đội sản xuất đến làm công việc tập thể ngoài đồng. Mà không chỉ một người, khi có ai đó vừa cất lời, lập tức mọi người ai thuộc bài hát đó đều ùa lên đồng thanh. Nhưng chẳng có bài nào người ta không thuộc cả, vì mọi người, từ người lớn đến trẻ con ngày nào cũng hát nên đều thuộc. Chính cái vô tư ấy tạo cho con người sự lạc quan. Vật chất thiếu thốn, nhưng bù lại đời sống tinh thần lại đồng điệu đồng cảm. Có khi chỉ được xem một bộ phim thôi là y như rằng hôm sau đến lớp học hoặc làm việc ngoài đồng người ta lại kể cho nhau nghe lại, ai nhớ nhiều thì bổ sung. Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác, thậm chí nhiều tháng sau họ vẫn cứ kể cho nhau nghe, lấy đó làm gương, làm sự răn dạy con em mình.
Chỉ còn kỳ học cuối cùng ở trường cấp 3 thị xã Hưng Yên nhưng tôi cứ rối lên với ông đội trưởng: Lần sau cho em đi bộ đội đấy! Tôi nói từ khi còn học lớp 9. Ông Đậu nhìn tôi: Mày bé thế đi thế nào được? Kệ, cứ cho tôi đi, bé mà không đánh Mỹ được à! Tôi làm bộ lên gồng: Đây này! Ông Đậu cười: Thôi, cứ từ từ, học đi đã, bao giờ có đợt tao gọi.
Rồi tôi cũng được gọi đi khám tuyển thật. Nhưng mà thấp bé không đủ chiều cao, cân nặng. Tinh thần thì có thừa. Tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ở nhà học nốt cho xong. “Đi bộ đội xong về học cũng được mà”. Bố tôi biết tính tôi đã quyết làm gì là làm bằng được, ông không nói gì. Chỉ mẹ tôi sùi sụt: Con ơi, còn mấy tháng nữa học xong rồi muốn đi đâu thì đi mẹ có cấm đâu. Thật sự mẹ tôi tiếc, trong làng ngoài xã số người được học đến lớp 10 như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay! Anh tôi làm công nhân thấy tôi “máu” thì cười khì: Kệ nó, nó thích thì bu cứ cho nó đi, nhà mình có người đóng góp cho đất nước càng tốt. Vì thế mà tôi toại nguyện. Chỉ có điều, sau lần khám tuyển, tôi được gọi tập trung ở xã Song Mai cách nhà 3 cây số để tập trung bồi dưỡng (chủ yếu là cho ăn bồi dưỡng để tăng cân). Sau một tháng, cân lại tôi được 39 cân rưỡi. Sức khỏe B2, vớt.
Ngày 23.4.1972 đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi đã trở thành một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ lúc ấy, không một chút ân hận hay tiếc nuối, kể cả những lúc cam go nhất. Trước đó, khi ngày nhập ngũ càng đến gần thì tôi và đám bạn tân binh cùng xã mới quen tranh thủ đi làm một số việc cần làm là chụp ảnh, giao lưu với bạn bè, thăm cô dì chú bác ở xa… Dịp ấy nhà tôi lúc nào cũng có khách đến chơi động viên, đặc biệt ông Đậu thì ngày nào cũng đến. Ông ấy khoái vì được coi là hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì thế mà ông không tiếc những từ ngữ có cánh để khen tôi, nào học giỏi lại quyết tâm cao, bé nhưng nó khỏe lắm (nói như kiểu bé mà có võ bây giờ ấy). Ngẫm lại mà thấy đúng, bao gian lao ác liệt đã thử thách sau này tôi chưa bao giờ gục ngã, kể cả đối mặt giữa sự sống và cái chết. Ông Đậu thay mặt đội sản xuất tặng tôi một đôi khăn mặt trước ngày lên đường, cũng là món quà đáng giá lắm vào thời điểm ấy. Thời bao cấp, người ta không có thói quen tặng quà cá nhân. Giả thử có cưới vợ thì quà tặng của bạn bè chỉ cái chậu thau tráng men, đôi khăn mùi xoa, cái khăn rửa mặt hoặc cái xoong nhôm bé xíu… Bây giờ ai đó cho rằng quà lúc ấy là đồ vớ vẩn, nhưng xin thưa rằng ngày ấy nó không vớ vẩn đâu, mà rất quý giá.
Rồi thì chuyện gì phải đến cũng đến. Sân kho Hợp tác xã Diên Hồng (nay thuộc xã Vũ Xá, Kim Động, Hưng Yên) trở thành nơi tụ hội của nhân dân toàn huyện. Một đoàn rồng rắn nam thanh nữ tú đưa tôi và thằng Thảo đi (chỉ có số ít người già đưa tiễn vì họ không có xe đạp và cũng không biết đi xe đạp mà đường quá xa không thể đi bộ hơn 10 cây số để đưa tiễn). Cũng bịn rịn, cũng tâm tình to nhỏ, và cũng không ít người rơi lệ vào lúc những chiếc xe nhận đủ quân bắt đầu chuyển bánh. Lễ giao nhận quân cũng đầy đủ các thủ tục như bây giờ, nghĩa là có các bài phát biểu dặn dò, tâm tình của các đại biểu lãnh đạo cấp trên, tân binh hứa “ra đi giữ trọn lời thề/ khi chưa hết giặc chưa về quê hương”, chỉ có điều nó đơn sơ, mộc mạc nhưng ấm tình người.
Nhớ lại một chút kỷ niệm đã quá xa nhưng rất đỗi thiêng liêng ấy làm bùng dậy trong tôi một thời tuổi trẻ đầy gian khó. Cuộc sống cho ta những trải nghiệm quý giá không thể đong đếm nhưng có thể sẻ chia. Nếu biết trân quý những kỷ niệm đầu đời, nó sẽ là hành trang để đưa ta vào cuộc sống một cách vững chãi. Cuộc đời quân ngũ không bình lặng, êm đềm mà nó được thử thách bằng máu lửa, bằng sinh mệnh của chính mình, nhất là trong tàn khốc của chiến tranh. Cũng từ đó mà ta hiểu hơn hai từ “hạnh phúc” khi mình đang có gì trong tay. Tôi đã ra đi từ ấy, qua bao năm tháng để trưởng thành…
HOÀNG QUÂN