Tháng ba về

Xã hội - Ngày đăng : 09:23, 10/04/2022

Mỗi khi tháng ba về, trái tim ta giục giã nhớ về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày hội Đền Hùng, nhớ những dãy núi thâm u, uy nghi dưới những tán cây cổ thụ rợp mát, khí thiêng sông núi hội tụ về đây

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao ấy đã in sâu vào tâm trí những người con đất Việt hàng bao đời nay. Mỗi khi tháng ba về, trái tim ta giục giã nhớ về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày hội Đền Hùng, nhớ những dãy núi thâm u, uy nghi dưới những tán cây cổ thụ rợp mát, khí thiêng sông núi hội tụ về đây; nhớ những con sóng đỏ nặng phù sa ở ngã ba Bạch Hạc, nơi “tụ thủy, tu thân”, kinh đô của nước Văn Lang cổ đại.

Nắng tháng ba - nắng mới, những vạt nắng bừng lên trong tiết Thanh minh trên đường du khách về Giỗ Tổ, trẩy hội Đền Hùng. Màu hoa gạo đỏ rực rỡ trên những ngả đường ta đi. Lúa chiêm xuân xanh non mỡ màng trong những điệu hát xoan: "Nắng lên đấy như bao người mong đợi í…a”. Với bao tiếng trống bập bùng lan tỏa trong các làng ở khu vực Đền Hùng.

Về Đền Hùng, ta đi dưới những tán cây chò xanh rợp mát, tỏa hương nghe gió thổi lao xao làm xao xuyến lòng người trong một vùng cổ tích. Thành kính, ta cùng dòng người lên đền Thượng, nơi linh thiêng chứa chất hồn thiêng sông núi. Tương truyền nơi này - núi Nghĩa Lĩnh, xưa kia các Vua Hùng cúng tế đất trời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân ấm no. Tại đây sau khi Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, Thục Phán đã dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh này, thề nguyện suốt đời bảo vệ non sông gấm vóc mà các Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói. Lịch sử ghi lại những năm đầu công nguyên (40-43), Hai Bà Trưng phất cao cờ khởi nghĩa chống sự đô hộ của nhà Đông Hán đọc lời thề trên cửa sông Hát: “Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Tâm nguyện ấy, hôm nay dòng người ở muôn nơi về đây kính cẩn thắp hương vái lạy Đức Lạc Long Quân, Đức Quốc Mẫu Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, năm mươi người con lên rừng, năm mươi người con xuống biển. Ở nơi này, truyền thuyết ghi rằng: “Vua Hùng một sáng đi săn/Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này”.

Linh thiêng, ta đi trong tiếng gió ngàn. Đứng nơi đền Giếng trầm mặc, sơn thuỷ hữu tình ta nghe văng vẳng đâu đây câu nói của Bác Hồ căn dặn Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ôi! Tổ tiên và các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp “ngàn thuở vững âu vàng” còn truyền đến ngày nay cho non sông gấm vóc này ngày càng tươi đẹp.

Trên đỉnh núi cao Nghĩa Lĩnh linh thiêng, từ đền Thượng, ta ngắm nhìn trời mây, núi sông hùng vĩ, ngắm nhìn giang sơn đổi mới từng ngày. Những công trường, xưởng máy, ruộng đồng… nhà cao tầng vươn lên ở thành phố công nghiệp Việt Trì, khu công nghiệp Lâm Thao… đang hối hả ngày đêm trong cuộc sống mới. Và đền Trung, nơi các Vua Hùng họp bàn việc nước, cũng là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày trong cuộc thi chọn người kế nghiệp thời Vua Hùng thứ 6. Đền Giếng - nơi hai nàng công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa con gái Vua Hùng thứ 18 thường đến đây soi gương, chải tóc. Xa kia núi Tản Viên ghi dấu ấn cuộc so tài giữa Sơn Tinh, Thủy Tinh tỏ mờ trong tiết tháng ba. Mỗi bước đi, ta gặp lại những sự tích xưa hồn thiêng sông núi: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi), gặp lại những huyền thoại, sự tích trong những câu chuyện cổ, những vật thiêng như vuốt đồng, rùa đồng, rìu, giáo đồng của các bộ tộc, bộ lạc thời dựng nước.

Nhớ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ trong âm vang khí thiêng sông núi, cội nguồn của dân tộc, trong hai tiếng “đồng bào” với lòng tri ân công ơn tổ tiên càng khắc sâu tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên mảnh đất anh hùng hình chữ S này. 

Tản văn của VŨ HOÀNG LUYẾN