Ai muốn ăn vải quê ta!

Xã hội - Ngày đăng : 09:19, 05/06/2022

Trong cái nắng đầu mùa vàng nhạt, tiếng chim tu hú từ vườn nhà ai vọng về. Tôi bất giác nhìn ra vườn nhà. Ô kìa! Từng chùm vải sai lúc lỉu đã lên mã ửng đỏ.

Trong cái nắng đầu mùa vàng nhạt, tiếng chim tu hú từ vườn nhà ai vọng về. Tôi bất giác nhìn ra vườn nhà. Ô kìa! Từng chùm vải sai lúc lỉu đã lên mã ửng đỏ. Mỗi cây vải giống như một chiếc ô hoa khổng lồ với hai gam màu xanh đỏ thắm tươi tuyệt đẹp. Thế là mùa hè đã về! Mùa vải thiều đang độ chín rộ cũng về thật rồi! Nhìn những chùm vải chín đỏ ấy, lòng tôi lại xôn xao hoài niệm về loài cây, loài quả đã từng gắn bó với làng mạc, ruộng vườn, với tuổi thơ một thời xa xôi.

Vải có nhiều loại: vải sớm, vải lai, vải thiều... nhưng thơm ngon nhất vẫn là vải thiều. Nơi trồng vải cho quả thơm ngon nức tiếng là vùng đất Thanh Hà. Nơi đây, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nhiều sông ngòi chằng chịt, phù sa bồi đắp cho làng mạc, ruộng đồng từ ngàn vạn năm. Khi cây giống được trồng xuống, vải sẽ thích nghi, bén rễ, trưởng thành, ra hoa, kết trái, dâng tặng con người một thức quả tuyệt ngon của thiên nhiên tạo hóa.

Từ cây vải thiều tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà), bà con nông dân đã nhân giống, chiết cành, trồng ở nhiều nơi. Hầu như nhà nào ở các làng quê Thanh Hà cũng có vải. Nhà ít có một vài cây. Nhà nhiều, có tới cả vườn, cả ruộng vải. Nhiều nơi khác cũng có vải, nhưng ăn quả vải thiều Thanh Hà chính vụ với quả vải thiều ở nơi khác rồi so sánh, người ta sẽ nhận ra sự khác biệt rất rõ. Vải thiều Thanh Hà vỏ mỏng, gai thưa, căng lì, cùi dày, trong, mọng nước, hạt nhỏ, vị ngọt thanh mà đượm, phảng phất một mùi thơm rất riêng như được kết tinh từ phù sa mỡ màu của đất, từ dòng nước trong lành, mát rượi của sông ngòi và cả từ khí trời thanh sạch lúc ban mai, hòa lẫn tiếng gió lúc chiều tà.

Vải ra hoa vào mùa xuân, độ giêng, hai, khi tiết trời ấm áp xen những ngày có mưa bụi, mưa phùn lây phây. Nụ hoa vải nhỏ li ti, mọc thành từng chùm, sai trĩu, đủ ngày thì đua nhau xòe cánh, nở rộ, thơm ngào ngạt, gọi mời những đàn ong cần mẫn về hút mật, thụ phấn. Hoa tàn, quả đậu, rung rinh trên cành như muôn nghìn giọt nước xanh non xinh xinh nhỏ tí xíu. Rồi ngày qua tháng lại, cái nắng, cái gió của trời; cái chất mỡ màu, phì nhiêu của đất, vị ngọt lành của nước đã thổi cho quả lớn dần, căng tròn, rồi chín đỏ mọng vào giữa mùa hè. Từng chùm vải chín đỏ mọng, trĩu cành, lúc lỉu, trông thật thích mắt. Bóc một quả, qua lớp vỏ thơm tho đẹp đẽ và lớp áo lụa màu trắng mỏng tang là lớp cùi trong mọng nước ôm gọn chiếc hạt đen tuyền nhỏ xíu. Vị ngọt đượm đà phảng phất mùi thơm dễ chịu khiến cho người ta phải tứa nước miếng thèm thuồng. 

Vải thiều chính vụ chín rộ và ngon nhất vào độ Tết Đoan Ngọ. Ngày Tết ấy, trong các món trái cây "giết sâu bọ" của nhiều gia đình miền Bắc, không thể không có quả vải. Theo tục truyền, sáng sớm ngày Đoan Ngọ, khi cái bụng còn rỗng, ăn vài trái vải, giun sán nào cũng hết, da dẻ mịn màng, không còn rôm sảy. Niềm tin ấy đã theo tôi từ thuở ấu thơ đến tận bây giờ, để rồi lại truyền miệng cho con cháu đời sau. 

Quả vải, nếu ăn đúng cách, vừa đủ, sẽ có công dụng bổ dưỡng, làm đẹp và có lợi cho sức khỏe của con người. Vì thơm ngon nức tiếng, vải được xếp vào hàng "của ngon vật lạ", cho nên quả vải cũng từng là vật phẩm cống nạp quý giá dâng lên vua chúa.

Thời xa xưa, khi kinh tế còn khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, mùa thu hoạch vải, người nông dân chỉ để những quả loại xấu cho nhà dùng, còn bao nhiêu quả ngon thì đem đi chợ bán, đổi lấy sắn, gạo cho qua ngày giáp hạt. Quả vải lúc ấy là món quà xa xỉ, thèm thuồng của bao người, nhất là con trẻ.

Ngày nay, kinh tế đã khấm khá, vải cũng được trồng nhiều, trở thành hàng hóa dồi dào. Dân mình dùng không hết, còn đem đi xuất khẩu, mang lại nguồn lợi ích kinh tế to lớn cho người trồng. Vì thế, nhà nhà, người người đều có cơ hội thưởng thức những quả vải chín mọng, tươi ngon khi mùa vải về.

Lắng nghe trong nắng mai mùa hạ, tiếng tu hú đang ríu ran gọi bầy. Từng chùm vải đang vào mã ửng đỏ trên cây. Lòng tôi lại bồi hồi muốn nhắn nhủ người xa: "Ai muốn ăn vải quê ta/ Thì về với đất Thanh Hà, Hải Dương".

Tản văn của HIỀN HÒA