“Cuộc cách mạng” khoa học góp phần xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:30, 14/06/2022
Nông dân Cẩm Giàng sử dụng máy cấy, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (ảnh tư liệu)
Những thành tựu khoa học - công nghệ đã thổi làn gió mới vào nền sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy việc đưa nhiều cây trồng, vật nuôi, mô hình mới vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình mới
Là doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, những năm qua, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green (Gia Lộc) không ngừng tìm tòi, ứng dụng kỹ thuật, cây giống mới vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng 18.000 m2 nhà màng, nhà lưới và lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm, tưới phun mưa, chiếm 25% tổng diện tích đất canh tác của doanh nghiệp. Ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc công ty chia sẻ: “Cùng một loại cây nhưng trồng trong nhà màng, nhà lưới không chỉ cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với trồng ở môi trường tự nhiên mà còn hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh. Có những lứa rau, quả chúng tôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên tiết kiệm được chi phí, chất lượng sản phẩm được nâng lên cũng như không lo ảnh hưởng đến đất đai và môi trường”.
Những năm gần đây, những chiếc máy cấy, cày, gặt đập liên hợp trên đồng ruộng không còn xa lạ với người dân. Theo ông Lê Đình Đoan, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ mạ khay, máy cấy Thái Long ở xã Hưng Long (Ninh Giang), khoảng 10 năm trước đây, chỉ khâu làm đất là có máy hỗ trợ, song chỉ là máy cày nhỏ, còn cấy, gặt đều làm thủ công. Nhưng hiện nay cơ giới hóa sản xuất lúa đã có ở tất cả các công đoạn, thậm chí những hộ có diện tích đất nông nghiệp lớn, người dân còn đầu tư cả máy phun bằng điện hoặc phương tiện bay phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sấy khô thóc. HTX hiện có gần 600m2 nhà xưởng, 10.000 khay mạ, 1 máy gieo mạ và 10 máy cấy. Mỗi năm, HTX cấy khoảng 1.000 mẫu trong và ngoài xã. “Việc đưa máy móc vào sản xuất giúp bà con nhàn hơn rất nhiều. Nhiều gia đình, cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân nhưng vẫn cấy được 4-5 sào ruộng. Máy móc đã hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang ở nông thôn. HTX hiện có 10 chiếc máy cấy nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của người dân”, ông Đoan khẳng định.
Một trong những thành tựu to lớn, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp đó là việc đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, tạo ra nhiều sản phẩm. Sau khi thử nghiệm, đến nay diện tích cấy lúa Hà Phát 3 của Kinh Môn đạt khoảng 520 ha, chiếm gần 10% diện tích gieo cấy của thị xã, năng suất đạt khoảng 71 tạ/ha và chất lượng gạo thơm ngon. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết: “Tuy là giống mới được đưa vào gieo trồng từ năm 2020 song Hà Phát 3 được nông dân ưa chuộng. Đây là một trong những giống cho năng suất, chất lượng cao, chiếm diện tích gieo cấy lớn tại thị xã".
Nông dân Nam Sách dùng phương tiện bay phun thuốc bảo vệ thực vật
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Những năm qua, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp không ngừng tăng, từ 95 triệu đồng/ha năm 2010 lên 125 triệu đồng/ha vào năm 2015 và năm 2021 đạt trên 180 triệu đồng/ha. Thời gian qua, các cấp, ngành và nông dân đã tích cực nghiên cứu, khảo nghiệm và tìm tòi, áp dụng nhiều giống cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất mới. Người dân đã thay đổi thói quen, không còn tự để giống lúa, rau màu cho sản xuất vụ sau mà thay vào đó đã sử dụng giống F1 của các đơn vị cung ứng giống, tránh các loại cây pha tạp, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Nhiều giống lúa, cây trồng ngắn ngày, năng suất cao được đưa vào gieo trồng góp phần tăng hệ số sử dụng đất, làm ra nhiều sản phẩm hơn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2014, toàn tỉnh có 8 mô hình nhà màng, nhà lưới thì đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình với diện tích 28 ha, tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc... Giá trị sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đạt từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm; lợi nhuận trung bình 550 triệu đồng/ha/năm. Toàn tỉnh có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10-30% so với mô hình không dùng hệ thống tưới này. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, cũng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới với 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm. Hình thành 214 vùng nuôi thuỷ sản tập trung với tổng diện tích 5.000 ha, có 6.988 lồng cá, sản lượng 17.000 tấn/năm. Có 2.000 ha nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, 30ha nuôi cá theo mô hình sông trong ao, 850 ha ao nổi... Năng suất thủy sản đạt trung bình 8 tấn/ha, cao hơn 2,7 tấn/ha so với năm 2010.
Đánh giá về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Đáng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, khoa học và công nghệ đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm ra nhiều sản phẩm cũng như chất lượng được nâng lên đáng kể. Kết quả này đã đóng góp chung vào thành công xây dựng nông thôn mới.
THANH HÀ