Dân dã chợ quê
Xã hội - Ngày đăng : 09:17, 07/08/2022
Thử hỏi ở nông thôn Việt Nam có một miền quê nào không có chợ? Chợ quê bắt nguồn từ nhu cầu trao đổi hàng hóa trong cuộc sống hằng ngày của người dân trong làng, trong vùng. Bởi vậy gốc gác và lịch sử của nó chắc hẳn phải gắn với việc khai lập làng vậy.
Đối với người Việt, chợ là một phần đời sống văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống. Dù qua nhiều năm biến đổi, chợ Việt vẫn trường tồn, độc đáo. Chợ Việt mang đặc điểm rõ nét của chốn tụ cư. Thành thị có chợ trấn, chợ phủ. Đồng bằng Bắc Bộ có chợ tỉnh, chợ huyện. Vùng sông nước Nam Bộ có chợ nước, chợ nổi. Ở một số vùng cao phía Bắc như Bắc Hà (Lào Cai), Khâu Vai ( Hà Giang)… lại độc đáo với chợ tình, chợ phiên.
Chợ quê người Việt đa dạng về loại hình. Theo quy mô có chợ làng, chợ huyện, chợ tỉnh... Theo vị trí có chợ bến sông, chợ đường cái, chợ bãi đê... Theo kiến trúc, có chợ Đình, chợ Chùa, chợ Cầu, chợ Quán... Theo mặt hàng của địa phương có chợ gốm, chợ mã, chợ vải. Nhiều nơi còn có chợ âm phủ, nơi để người sống và người chết "gặp nhau".
Chợ quê đơn sơ dân dã lắm. Sự dân dã quê mùa của nó được thể hiện ngay ở trong tên gọi: chợ Dọc (Chí Linh), chợ Lành (Nam Sách), chợ Vàng, chợ Cháy (Thanh Hà), chợ Cuối (Gia Lộc)...
Quê kệch, dân dã là thế nhưng những mặt hàng được bày bán ở chợ quê lại phong phú. Từ những vật dụng hằng ngày như rổ, rá, giần, sàng, nong, nia, thúng, mẹt đến bát, đĩa, chum, lọ, chậu, bình, hũ, vại. Từ vải, đũi, lanh, lụa đến chỉ, tơ, nón, mũ... đều thấy cả. Đi chợ quê ta có thể tìm mua nào cua, ốc, ếch, lươn, cá nước, chim trời, gà vườn, vịt bãi... Người bán, kẻ mua chào mời xởi lởi.
Ngày thường là chợ, ngày Tết chợ quê là hội. Những cành đào nụ chúm chím, những chậu quất cảnh trĩu quả. Những dãy hàng bày la liệt lá dong, lá chít, đỗ, gạo. Những bức tranh Tết xanh xanh, đỏ đỏ, những tùng, cúc, trúc, mai, đám cưới chuột, lợn âm dương, song ngư vờn nguyệt. Đám trẻ con xúng xính trong bộ áo quần mới vui hết cỡ. Những cụ già cả năm chẳng ra đến cổng cũng mặc bộ áo quần tươm tất đi chơi cho biết.
Sinh ra ở chốn thôn quê, ai chẳng từng một lần theo mẹ, theo bà xuống chợ. Ai chẳng từng một lần được mua cho quả na, quả ổi, cặp bánh rán đường, con tò he, món đồ chơi dân gian... Rồi ngần ấy năm gắn bó với làng quê ai chẳng đã từng ăn đĩa bánh đúc, đĩa bánh cuốn, bát cháo lươn, bát bún cá rô ngoài chợ. Cái chất dân dã ấy ngấm vào máu thịt dù đã ra làm người thành phố hay ở nước ngoài vẫn không mất được. Chẳng thế mà có buổi ngồi trước bàn tiệc thịnh soạn lại thèm nhớ vô cùng một bát canh cua, vài quả cà muối, đĩa rau muống luộc, bát nước dầm me. Hay trước những mùi vị hấp dẫn của các món ăn Đông Tây lại thấy thoang thoảng mùi cà cuống đồng nướng rạ.
Ngày nay, công cuộc xây dựng nông thôn mới giúp bộ mặt làng quê thay da đổi thịt. Không chỉ nhà cao tầng khang trang, đường bê tông to đẹp mà chợ quê cũng được quy hoạch xây dựng chỉnh trang cho phù hợp với xu thế. Những nét cũ, lạc hậu, không phù hợp, những lều thấp lợp rạ mỏng, ni lông, che bạt hay vài dãy quán lợp ngói mất đi. Các mặt hàng đa dạng phong phú hơn, có nhiều mặt hàng hiện đại được nhập về từ nước ngoài, các dãy ki ốt được xây dựng khang trang. Nhưng cho dù vậy thì chợ quê mãi vẫn giữ nguyên bản sắc dân dã. Và đắm mình vào chốn chợ quê thì cảm nhận rõ cái chất quê, hồn quê vẫn ăm ắp. Sự thật là như thế còn ai yêu ghét ra sao cũng tùy lòng.
Tản văn của ĐINH NGỌC HÙNG