Cẩm Giàng giúp người dân thoát nghèo bền vững

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:17, 18/10/2022

Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực từ các cấp, ngành và cộng đồng, thời gian qua, công tác giảm nghèo ở Cẩm Giàng đã đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.


Thành viên các tổ liên kết do Hội Nông dân xã Cao An thành lập thường xuyên trao đổi, hỗ trợ những gia đình khó khăn vươn lên trong sản xuất


Cẩm Giàng là một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo. Nhiều hộ dân trong huyện đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Giúp đỡ thiết thực

Có trong tay gần 1 mẫu ruộng nhưng cuộc sống của gia đình chị Đào Thị Lúa ở thôn Tràng Kênh, thị trấn Cẩm Giang luôn trong cảnh “hết mùa là hết thóc”. Vợ chồng chị mỗi người một chiếc xe đạp rong ruổi khắp nơi thu mua phế liệu để tăng thu nhập nhưng cuộc sống vẫn rất vất vả. Năm 2016, chị Lúa được “Tổ giúp nhau phát triển kinh tế” của Chi hội Phụ nữ thôn Tràng Kênh cho vay 100 triệu đồng không tính lãi để mở cửa hàng thu mua phế liệu. Nhờ cần cù chịu khó, biết tính toán làm ăn nên gia đình chị từng bước thoát khỏi cảnh nghèo túng. Không chỉ xây được nhà, vợ chồng chị Lúa còn có điều kiện cho 2 con ăn học đầy đủ. “Nguồn vốn mà các chị em cho vay giống như chiếc chìa khoá mở ra cơ hội đổi đời cho gia đình tôi”, chị Lúa bộc bạch.

Năm 2016, nhận thấy nhiều gia đình chị em hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn làm ăn, Hội Phụ nữ thị trấn Cẩm Giang đã vận động được 40 hội viên ở thôn Tràng Kênh thành lập “Tổ giúp nhau phát triển kinh tế”. Các hội viên đóng góp được 100 triệu đồng để cho những hội viên hoặc người dân thuộc diện hộ nghèo vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mỗi hộ sẽ được vay 100 triệu đồng không mất lãi trong 1 năm. Đến nay, tổ đã giúp 6 hộ khó khăn vay vốn, trong đó có 2 hộ đã thoát nghèo, cuộc sống dần khấm khá. Chị Nguyễn Thị Hưng, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Cẩm Giang cho biết: “Cách giúp nhau của chị em ở Tràng Kênh rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn thị trấn trong thời gian tới”.

Anh Nguyễn Minh Thông ở thôn Phú An, xã Cao An là người khuyết tật, gia đình nghèo khó nhiều năm. Cách đây mấy năm, anh được xã tạo điều kiện cho đấu thầu hơn 1 mẫu ao để thả cá. Vợ chồng anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vay vốn sản xuất. Từ đó, cái nghèo đã không còn đeo bám gia đình, anh Thông có điều kiện cho con đi xuất khẩu lao động… 

Hội Nông dân xã Cao An có 1.521 hội viên. 5 năm trước, tỷ lệ gia đình hội viên nghèo thường chiếm từ 4% trở lên nhưng hiện nay đã không còn. Ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Ngoài tín chấp với các ngân hàng cho hội viên vay gần 15 tỷ đồng, mỗi năm chúng tôi tổ chức 3-4 lớp tập huấn kiến thức sản xuất cho bà con. Hội thành lập được các tổ liên kết trong sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, trồng rau màu... Các tổ thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất. Hội rà soát, đánh giá điều kiện của từng gia đình và giúp họ giải quyết khó khăn một cách phù hợp, hiệu quả nhất, không làm hình thức”.

Tranh thủ tối đa nguồn lực

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cẩm Giàng, thực tế nhiều hộ dù đã thoát nghèo nhưng vẫn sống trong điều kiện khó khăn. Do thiếu kiến thức sản xuất, không đủ điều kiện thế chấp vay vốn hoặc đủ điều kiện nhưng số tiền vay không được nhiều nên những hộ này khó có thể tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Nguy cơ tái nghèo của những gia đình như này không nhỏ. Do vậy, để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, Hội Phụ nữ huyện đã vận động xây dựng nhiều loại quỹ để cho chị em vay không tính lãi hoặc lãi suất rất thấp nhằm có vốn đầu tư làm ăn. Đến nay, các chi hội, tổ phụ nữ cơ sở trong huyện đã đóng góp được gần 2,8 tỷ đồng tiền quỹ cho 170 hội viên vay; thành lập 111 “Quỹ quay vòng” cho 133 hội viên vay số tiền hơn 1,8 tỷ đồng…

Các địa phương ở huyện Cẩm Giàng còn tranh thủ tối đa nguồn lực để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2011, từ sự hỗ trợ của cấp trên, xã Tân Trường triển khai thực hiện dự án “Sản xuất cây rau màu cho giá trị kinh tế cao” với tổng kinh phí 415 triệu đồng. Đối tượng được tiếp cận nguồn vốn là các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu. “Nguồn vốn này góp phần giúp cuộc sống các hộ ổn định hơn nhiều”, ông Vũ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Trường nói.

Công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở ở Cẩm Giàng luôn quan tâm. Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện chặt chẽ. Mỗi địa phương, đoàn thể phải nắm chắc về tình hình của các hộ nghèo để có hướng phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ sát thực nhất. Các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện thường xuyên giám sát, theo dõi, quản lý các chương trình thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương được phân công. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đều được báo cáo, giải quyết kịp thời... 

Huyện Cẩm Giàng cũng là địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm… Tính đến đầu năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,05%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,42%.

BÌNH MINH