Khói bếp mẹ tôi
Xã hội - Ngày đăng : 10:19, 12/01/2023
Mùi Tết, vị xuân xưa nay có biết bao điều để gợi nhớ, nhắc tên, có bao kỷ niệm để cưu mang như một phần ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời mỗi người. Riêng tôi, có giống ai không khi tôi luôn nhớ khói, tôi yêu cái mùi vị rất đặc trưng ấy nơi góc bếp của mẹ mỗi mùa xuân…
Khói gửi gắm gì trong bâng khuâng từng sợi mỏng bảng lảng len bay trên mỗi mái nhà? Khói hay là nỗi niềm quê cứ vấn vít trong tim đứa con biền biệt xa nhà, để mỗi cuối năm quay về nghe lòng bịn rịn? Tôi định nghĩa khói như một nốt nhạc quê sâu đằm, mộc mạc nhưng chất chứa biết bao khắc khoải nhung nhớ bền sâu.
Ngày nay, hầu hết mọi nhà đều dùng bếp gas, bếp điện cho tiện lợi và tiết kiệm thời gian đun nấu. Bếp gas vừa vệ sinh lại rất mau chóng, nên để tìm một ngọn khói bay lên trên những mái nhà, nhất là những ngày giáp Tết ngày càng hiếm hoi hơn.
Tôi chợt chạnh lòng thương nhớ những mùa Tết quê ngày quá vãng, nơi góc bếp nhỏ ngày nào luôn gắn liền với hình ảnh quen thuộc của mẹ. Mỗi dịp cuối năm, mẹ suốt ngày dài lúi cúi cùng bếp, nấu xào lúc thì mâm cỗ cúng, khi làm cơm tiếp khách, rảnh rang hơn thì nấu nồi chè, đun ấm nước chè xanh... Bếp Tết gần như đỏ lửa suốt đêm ngày, vừa nấu nướng, vừa để sưởi ấm những ngày xuân giữa quây quần nhỏ to bao chuyện kể.
Ở quê, người ta hay tận dụng củi để đun nấu. Mẹ cũng hay có thói quen dự trữ củi để đun nấu dịp Tết. Đống củi nhiều khi chất cao cả một góc vườn, phơi mưa phơi sương nên khi nhóm bếp, thứ củi mùn, củi mục rất khó bén, nghi ngút khói khiến mắt mũi cay xè.
Có lẽ đặc biệt nhất là việc kê nhiều viên gạch lớn chụm thành ba chân làm bếp nấu bánh chưng. Những đứa trẻ cứ chạy lăng xăng, quấn chân người lớn quanh bếp Tết. Có vẻ như chúng bị thu hút, mê hoặc bởi thao tác chụm lửa rồi bắt chước, nguyện làm “chân sai vặt” rất hăm hở. Lâu lâu được mẹ dặn canh chừng cho thêm củi hay đổ thêm nước vào nồi bánh. Đó là những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất còn hằn in rõ nét trong tâm thức tôi để không nguôi nhớ thương cho đến mãi bây giờ. Chẳng thế mà, thời buổi này dù có nhan nhản các dịch vụ đặt bánh chưng ngày Tết, tôi vẫn thích tự tay gói bánh, làm bếp riêng để tự nấu mỗi dịp Tết về. Giữa bao xô bồ của nhịp sống hôm nay, cần lắm những khoảnh khắc ấy, để được sống trọn vẹn với cảm thức Tết, nhẩn nha với mùi vị Tết.
Bếp ấm của mùa xuân, nhen nhóm tình thân nồng đượm. Bảo sao bao người không quay quắt thương về gia đình, quê xứ. Khói bịn rịn mà khoáng đạt, bay loang cả một khoảng trời. Khói len lén lượn vòng rồi tan nhẹ ra bảng lảng. Khói ám mùi trên vai áo mẹ lâu ngày để tôi quen thuộc và yêu biết bao nhiêu cái mùi khen khét, hăng hắc nhưng đầy mê dụ ấy.
Chiều cuối năm, nhìn từng lọn khói bảng lảng bay lên trên chái bếp nhà ai, tôi lại chạnh lòng thương về những mùa xuân xưa cũ, ký ức bỗng dội về òa vỡ chênh chao. Khóe mắt tôi bất chợt cay xè, rưng rưng nhớ mẹ giữa dập dìu khói bếp...
Tản văn củaLAM GIANG