Lối về miền hoa gạo!
Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 02/04/2023
Tôi trở về quê vào một ngày tháng ba rắc rải những tia nắng vàng ươm. Từ đường quốc lộ qua một con đường xuyên cánh đồng là tới nhà tôi. Lúc đi ngang cánh đồng, đập vào mắt tôi là những cây gạo trổ hoa đỏ rực như muôn vàn đốm lửa lung linh. Bao năm trôi qua, lối về tháng ba của tôi, bóng dáng cây gạo vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Khi đứng nhìn ngắm những bông hoa gạo, không dưng lúc đó tôi cảm thấy mình bé lại như thuở lên tám, lên mười. Cái thuở mà mỗi lần đi chăn trâu, cắt cỏ vẫn thường lân la gốc cây gạo, ngước nhìn lên những bông hoa đỏ mà… thèm thuồng. Cái sự thèm thuồng của lũ con nít chúng tôi ngày xưa ngây thơ, tinh khôi vô cùng. Lũ chúng tôi thèm được nâng niu những bông hoa gạo, ôm chúng vào lòng mà vuốt ve. Cái thời vô âu vô lo, internet, điện thoại hay vô tuyến chưa phổ biến như bây giờ. Những trò chơi với hoa gạo lúc đó trở nên mê hoặc đối với những đứa trẻ làng quê. Hoa gạo làm hàng hóa khi chơi đồ hàng. Hoa gạo kết thành vương miện, vòng hoa đeo cổ trong trò chơi “cô dâu chú rể”, tiếng cười vang khắp cả cánh đồng...
Trẻ con ngày ấy đứa nào cũng cho rằng cây gạo là một trong những cây lạ lùng nhất. Nó lạ lùng từ tên gọi cho đến sự sinh trưởng, phát triển. Thường thì ra xuân, những lộc non sẽ chi chít trên cành nhưng với cây gạo dường như chúng chỉ dành trọn cho những bông hoa. Khoảng đầu tháng ba, khi cái lạnh vẫn còn se se lẩn quất và chút nắng vàng hưng hửng lưng chừng trời, thân cây gạo không còn cô đơn nữa mà khoác lên mình lớp áo sắc đỏ nồng nàn. Hoa gạo mang một vẻ đẹp riêng. Không quá kiêu sa, quý phái, cũng chẳng mong manh yếu đuối. Hoa gạo khiến người ta phải ngây ngất vì vẻ đẹp chân phương, mộc mạc, đằm thắm như kết nối giữa trời với đất. Đứng từ xa trông cây gạo như được thắp lên ngàn đốm lửa rực cháy.
Chẳng ai có thể nhớ chính xác cây gạo trên cánh đồng quê tôi có tự khi nào. Những cụ già cao niên kể lại, lớn lên đã thấy ở cánh đồng mấy cây gạo sừng sững. Cũng chẳng ai có ý định chặt bỏ vì cây gạo được ví như người bạn tâm tình của người nông dân tần tảo vẫn thường hay nghỉ giải lao bên gốc cây vào những ngày nắng nóng. Nhớ những lần cấy cày mệt nhọc, người dân quê tôi lại tựa lưng vào gốc gạo nghỉ ngơi, kể chuyện, sẻ san câu chuyện thường nhật. Gốc gạo trở thành địa điểm tâm tình của người nông dân.
Hoa gạo còn có tên gọi khác là mộc miên, ở vùng Tây Nguyên thì gọi là pơ lang. Bà tôi vẫn kể về sự tích hoa gạo như nhắc nhớ chàng trai trong truyền thuyết năm nào với tình yêu dở dang nhưng thủy chung son sắt. Trời đất chia ly đôi uyên ương khiến chàng trai ở trên trời khóc hết nước mắt, hóa thành mưa rơi xuống nhân gian. Cô gái vì muốn người yêu trên cao thấy được sự chờ đợi chung thủy của mình, bèn xin ông trời hóa dải lụa tình yêu trong tay cô gái thành những bông hoa năm cánh đỏ. Được thỏa nguyện ước mong, cô gái gieo mình chết đi và trở thành hoa pơ lang hay còn gọi là hoa gạo.
Tháng ba của năm tháng thiếu thời của tôi, của bạn, của những đứa trẻ sinh ra từ làng hằn sâu trong ký ức là màu hoa gạo đỏ thắm thân thương. Để rồi khi đi xa, tôi lại quay quắt nhớ như nỗi niềm trong câu thơ từng đọc: “Em ở đây không có mùa hoa gạo/ Đỏ rực trời đốt cháy tháng ba/ Cho lòng ai thổn thức lúc chia xa/ Quay quắt bước mà hồn còn một nửa…”.
Tản văn của CAO THƠM