Đi tìm dấu tích Thành Đông

Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 11/06/2023

Thành Đông xưa đồ sộ, vững chãi. Đi qua những thăng trầm lịch sử, tòa thành uy nghi đã bị phá hủy, thế hệ sau chỉ có thể tìm hiểu qua những tàn tích còn sót lại.



Ngoài kinh thành Thăng Long, chỉ Thành Đông mới có những con phố mang tên “Hàng”. Trong ảnh: Gia đình ông Dương Hoài Thanh ở phố Sơn Hòa (phố Hàng Giầy cũ) đã gắn bó với nghề sửa giầy dép hơn 30 năm nay

Dấu ấn lịch sử

Theo sử sách ghi lại, trước năm 1804, lỵ sở Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn hay doanh Vạn, sau đó rời về Mao Điền (Cẩm Giàng). Năm 1804, vua Gia Long quyết định di chuyển sở lỵ của trấn Hải Dương từ Mao Điền về phía đông 15 km, trên ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Thái Bình, tại địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao. Trấn thủ Hải Dương khi ấy là Trần Công Hiến được giao nhiệm vụ tổ chức di chuyển và xây dựng thành Hải Dương hay còn gọi là Thành Đông. Do có vị trí chiến lược quan trọng, chặn quân giặc từ phía biển tràn vào nên gần một thế kỷ chấp chính, triều Nguyễn đã không ngừng củng cố Thành Đông thành pháo đài quân sự vững mạnh.

Giống như các thành trì được xây dựng vào thời Nguyễn, Thành Đông được xây dựng theo kiểu Vauban (phương thức xây dựng thành lũy kiên cố của kiến trúc sư người Pháp được ứng dụng ở một số nước phương Tây và xứ thuộc địa trong thế kỷ 17-18). Thành có hình lục giác đều, ban đầu đắp bằng đất, đến thời vua Minh Mạng được gia cố bằng đá ong. Thành cao 1 trượng 1 thước 2 tấc (4,48 m), bên ngoài thành có hào sâu bao quanh. Hào thành nối với sông Kẻ Sặt rồi thông ra sông Thái Bình qua cống Ba Cửa, nay vẫn còn dấu tích trên phố An Ninh. Thành mở 4 cửa theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Từ trong Thành Đông muốn đi ra ngoài phải đi qua 4 cây cầu bằng gạch xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào thành. Năm 1883, Thành Đông rơi vào tay thực dân Pháp, đến khoảng đầu thế kỷ XX thì gần như đã bị xóa sổ. Đất Thành Đông nằm trọn trong diện tích của phường Nguyễn Trãi hiện nay và những dấu tích về thành trì này chỉ còn mờ nhạt qua một số công trình và tư liệu lịch sử ít ỏi.

Là người dày công nghiên cứu về lịch sử Thành Đông, nhà sử học Phạm Quý Mùi bày tỏ: “Hình ảnh về một Thành Đông kiên cố dần lùi xa theo thời gian song từ pháo đài này, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại sầm uất dần hình thành. Và đến ngày nay, trên nền Thành Đông xưa, một đô thị năng động, phát triển mạnh mẽ dần hiện hữu”.

Lưu giữ giá trị xưa

Lúc đầu, Thành Đông chỉ là một trung tâm quân sự, hành chính, trong thành chỉ có quan quân, không có dân cư. Dần dần do nhu cầu cuộc sống, người nhà quan quân, binh lính, thợ thủ công, người làm ăn, buôn bán tụ lại phía ngoài thành ven sông Kẻ Sặt. Cũng từ đây, Đông Kiều phố ra đời, hình thành các con phố mang tên phường hội, nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho việc làm ăn, buôn bán như phố Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Lọng tương ứng với các phố Sơn Hòa, Xuân Đài, Đồng Xuân, Tuy An ngày nay. Ngoài kinh thành Thăng Long, chỉ có duy nhất tại Thành Đông mới có những con phố mang tên “Hàng”. Đây là minh chứng cho sự phát triển phồn thịnh của đô thị phong kiến. Ông Dương Hoài Thanh ở phố Sơn Hòa đã gắn bó với nghề sửa giày dép hơn 30 năm nay. Ông cho hay đây là nghề gia truyền, đã đồng hành cùng gia đình ông qua nhiều thế hệ. “Dù xã hội có nhiều đổi khác song tôi vẫn muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, những người đã góp phần xây dựng nên phố nghề sầm uất, đông đúc một thời”, ông Thanh chia sẻ.

Bên cạnh những con phố cổ, dáng dấp Thành Đông xưa vẫn còn được lưu giữ tại Vọng cung, nay là Nhà hát Nhân dân TP Hải Dương. Vì kinh đô ở Huế xa xôi, quan lại ở ngoài Bắc không có điều kiện bái kiến nên đã xây Vọng cung để bái vọng, tế lễ thể hiện lòng yêu kính với nhà vua và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cổng Vọng cung có 2 trụ cột, mỗi cột cao bằng nhà ba tầng bây giờ, trên đắp hoa văn. Chỉ có quan chức đứng đầu tỉnh, huyện mới được đến Vọng cung. Ở giai đoạn sau, Vọng cung được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Hiện dấu ấn Thành Đông chỉ còn thể hiện qua cột Vọng cung được xây dựng chắc chắn, chưa bị thời gian tàn phá.

Một trong những dấu tích còn sót lại của Thành Đông chính là hào thành. Hào rộng 11 trượng (khoảng 44 m), sâu 6 thước (2,4 m) nối với sông Kẻ Sặt (qua cống ba Cửa) và sông Hàn Giang (nay là sông Thái Bình) để giao thông đường thủy, tiếp tế lương thực và vũ khí cho quan quân trong thành. Con kênh chạy dọc theo đường Hào Thành ngày nay chính là đường hào bao quanh Thành Đông trước kia.

Những dấu tích còn sót lại của Thành Đông xưa không còn nhiều nhưng cũng đủ minh chứng cho sự phát triển của trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa từ thời xa xưa. Tuy vậy, có những công trình, dấu ấn sẽ chỉ còn là tàn tích nếu như không quan tâm trùng tu, tu sửa để ghi dấu sự hình thành và phát triển của Thành Đông xưa. Ông Phạm Quý Mùi trăn trở: “Trước đây ở khu vực nhà tập thể Máy Bơm bây giờ có cột cờ. Chỉ có kinh thành Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định và Hải Dương mới có cột cờ này. Sáng đầu tuần, quan lại và binh lính sẽ tập trung tại cột cờ, hướng về phía nam nơi có kinh đô thể hiện lòng thành kính với nhà vua. Hiện 4 địa phương trên đều giữ gìn và trùng tu cột cờ, coi đây là nhân chứng lịch sử, duy chỉ có Hải Dương là bị tàn phá. Nếu có thể phục dựng lại cột cờ này thì đây chính là biểu tượng cho lịch sử của Thành Đông”.

DŨNG CƯỜNG