Thành phố khát vọng vươn cao

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 07/07/2023

​Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3.4.2023 và đang là điểm tựa để thành phố hướng tới những khát vọng, hoài bão lớn trong tương lai.


Sông Sặt sẽ là điểm nhấn không gian của thành phố trong tương lai gần

Phóng viên Báo Hải Dương ghi lại chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh về những hoạch định, tầm nhìn của quy hoạch này.

Tầm vóc mới

Quy hoạch chung TP Hải Dương được điều chỉnh đúng thời điểm thành phố đang dồn lực hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I. Năm 2017, thành phố đã có điều chỉnh quy hoạch chung song đến năm 2019 khi được công nhận là đô thị loại I với quy mô lớn hơn, không gian rộng hơn, dân số đông hơn thì quy hoạch cũ giống “chiếc áo” đã chật. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch mới là cần thiết và cấp bách để thành phố có thể vươn lên mạnh mẽ.

Trên cơ sở kế thừa quy hoạch cũ, điều chỉnh quy hoạch năm 2023 giúp nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân mường tượng ra TP Hải Dương trong tương lai gần là đến năm 2030, nhìn xa hơn đến năm 2040 tương đối cụ thể, rõ ràng. Với diện tích đất tự nhiên khoảng 111,68 km2, thành phố đã bố trí, sắp xếp các vùng đô thị, phân khu chức năng để tạo nên tổng thể cân đối, hài hòa, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất Thành Đông.

Trong quy hoạch mới này, hình ảnh thành phố ngôi sao với 5 cực phát triển được thay bằng 4 vùng đô thị có cấu trúc dựa trên sông Thái Bình, sông Sặt, các tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, vành đai 5 Thủ đô…Vùng trung tâm là đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng là khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử xứ Đông cần bảo tồn và phát huy. Vùng phía nam là đô thị mở rộng gắn với các chức năng y tế, giáo dục, thể thao, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí. Vùng phía đông là đô thị sinh thái với đặc trưng là trung tâm triển lãm, phát triển du lịch và nông nghiệp chất lượng cao. Vùng phía bắc là khu vực ngoại thị, tập trung cho dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kết nối không gian với huyện Nam Sách. Từ các vùng đô thị, 6 phân khu chức năng được định hình với những định hướng phát triển mang bản sắc riêng nhưng lại cộng lực để tạo thành một TP Hải Dương - đô thị loại I năng động, muôn hình, muôn vẻ.

Dấu ấn đậm nét của quy hoạch này chính là việc nghiên cứu bài bản để khai thác không gian sông Thái Bình và sông Sặt. Đây cũng là chìa khóa để thành phố hướng đến đô thị xanh, thân thiện, trong lành khi mà áp lực đô thị hóa, công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề.

Một trong những khác biệt của quy hoạch chung TP Hải Dương lần này so với bản cũ là thành phố hướng đến tầm vóc mới, lớn lao và toàn diện hơn. Trước đây, thành phố mong muốn trở thành đô thị xanh với những tòa nhà, kiến trúc thấp tầng thì hiện tại đã đặt vấn đề vươn tới tầm cao.


Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh dành nhiều thời gian nghiên cứu đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040

Nhìn xa, trông rộng

Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy hoạch cũ. Đây là lợi thế song cũng là hạn chế bởi nếu không tạo được đột phá, chỉ áp đặt lối mòn thì sẽ giống như tấm áo cũ được chắp vá thêm để rộng hơn. Trong khi đó, thành phố đang ở vị trí mới, tâm thế mới và tư duy mới. Thành phố đang khát khao đưa kiến trúc đô thị lên tầm cao mới cả về nghĩa đen lẫn bóng. Thế nhưng nếu không quy hoạch cao tầng tập trung không những không tạo được điểm nhấn mà còn gây mâu thuẫn hạ tầng.

Trong quy hoạch mới, TP Hải Dương rất chú trọng tới giao thông đường bộ với tầm nhìn về hạ tầng kỹ thuật tương đối bài bản, khoa học. Tuy nhiên, giao thông thủy và đường sắt vẫn chưa được tính toán kỹ lưỡng trong khi đây cũng là lợi thế lớn của thành phố. TP Hải Dương cần cân nhắc phương án phân luồng một số tuyến đường giao thông từ sớm, từ xa. Mặt khác, nhất thiết phải chú tâm đến các điểm ngầm đô thị nhằm giảm áp lực giao thông.

Du lịch là khái niệm được nhắc tới nhiều trong quy hoạch chung TP Hải Dương song lại chưa được định hình rõ nét. Một thành phố phát triển phải có chỗ cho người dân tiêu tiền. Thành phố hiện có nhiều công viên, quảng trường nhưng chưa có công viên văn hóa, quảng trường văn hóa.

Hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố là quy hoạch mở, cho phép nhà quản lý có thể linh hoạt, chủ động trong triển khai thực hiện để phù hợp với tình hình thực tiễn. Dù vậy, nếu quá phụ thuộc vào điều này có thể dẫn tới lúng túng trong quản lý và thực hiện quy hoạch. Phải luôn xác định việc điều chỉnh quy hoạch là bất đắc dĩ. Ba vấn đề giúp quy hoạch trúng và đúng là khớp nối hiện tại, định hướng tương lai và dự trù nguồn lực.

TP Hải Dương là “trái tim” của tỉnh nên phải vun vén cho thành phố bằng cả trái tim và khối óc. Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương mang theo nhiều kỳ vọng và khát khao bứt phá của đô thị loại I trẻ, năng động, không ngại đổi mới, không sợ khó khăn.

DŨNG CƯỜNG (ghi)