Tháng bảy của ông tôi
Xã hội - Ngày đăng : 08:07, 23/07/2023
Một chiều tôi về lại quê nhà khi tháng bảy nắng vẫn còn vàng óng, hơi nóng hắt lên hầm hập oi bức. Đón tôi đầu ngõ vẫn là bóng hình thân thuộc ấy, cao gầy, mảnh khảnh, chậm rãi, ông tôi mỉm cười chào đứa cháu út thân thương. Sau tán lá vải thiều sum suê đang che bóng mát, ông đã kê sẵn cái chõng tre, thêm ấm chè vối sóng sánh vàng cùng điếu thuốc lào xưa cũ. Tháng bảy đối với mọi người có lẽ là tháng bình thường nhưng với ông tôi thì lại là một tháng đặc biệt. Bởi tháng bảy đã khơi gợi trong ký ức của ông bao nhiêu hoài niệm, vui buồn mênh mang diệu vợi. Ông vẫn thường ngồi ở chõng tre mỗi buổi chiều, ánh mắt nhìn bâng khuâng xa xăm vô định. Tôi biết ông đang có nhiều nỗi niềm của ngày xưa cũ, của năm tháng khoác lên mình chiếc áo trấn thủ làm bộ đội Cụ Hồ.
Mấy chục năm trôi qua nhưng ký ức trong ông chẳng thể nào phai. Ông vẫn còn giữ lại tấm áo trấn thủ năm xưa, đôi dép cao su và chiếc mũ tai bèo. Năm tháng ấy, ông cùng nhiều thanh niên trai tráng trong làng nhiệt huyết vào Nam ra Bắc đi đánh giặc ngoại xâm. Ông hay kể cho con cháu về những ngày ông đi đánh giặc. Cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nước uống thiếu thốn, hàng tháng trời ở trong rừng, bệnh tật hoành hành nhưng ai cũng cố gắng chịu đựng. Mỗi lần kể chuyện, mắt ông đều đỏ hoe, những đồng đội của ông có người vì bom rơi trúng, có người lại vì bệnh tật mà mất.
Ông nhớ nhất dấu ấn “hè đỏ lửa” và “81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị”. Đó là ngày tháng gian khổ, khắc họa sự ác liệt của mặt trận Bình - Trị - Thiên. Giặc ngoại xâm đã điên cuồng tấn công Thành cổ, gây sức ép cho quân dân Việt Nam. “81 ngày đêm ở Thành cổ” đã có bao chiến sĩ đổ máu. Những người thanh niên như ông năm ấy chẳng màng tới bản thân, lòng lúc nào cũng nung nấu với một trái tim nhiệt huyết, anh dũng, liều mình đi đánh giặc cứu nước. Bầu trời như xé tan bởi bom rơi và tiếng súng nổ rền vang. Để có được hòa bình như ngày hôm nay, đồng đội của ông đã phải trả giá bằng máu thịt. Ông và những đồng đội may mắn sống sót nhưng nhiều người mang thương tật trên mình.
Mấy chục năm trôi qua những gì còn lại trong ông là mảnh ký ức ấy và những tấm huân, huy chương ý nghĩa cao quý được Nhà nước trao tặng. Tháng bảy năm nào, đến dịp 27.7 ông cũng mang nó ra để ngắm nghía và hoài niệm. Sau này khi lớn lên, hiểu rõ ngọn ngành những việc ông làm tôi thấy thương ông và đồng đội của ông hơn bao giờ hết. Thế hệ của tôi được sinh ra trong hòa bình, được hưởng cuộc sống hạnh phúc ấm no, đủ đầy thật biết ơn biết bao nhiêu công lao to lớn của những người lính Cụ Hồ năm xưa!
Tản văn của TĂNG HOÀNG PHI