Côn Sơn - Kiếp Bạc trong mắt du khách Hàn Quốc

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 11:12, 11/02/2023

Không khí lễ hội, giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật của di tích đã gây ấn tượng mạnh đối với đoàn đại biểu đến từ TP Suwon (Hàn Quốc) khi tham dự Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.


Các thành viên đoàn đại biểu TP Suwon thưởng thức đặc sản rượu Phú Lộc của huyện Cẩm Giàng tại Tuần lễ Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, ngoài sự tham gia của hàng vạn du khách trong nước còn có các vị khách đại diện cho chính quyền TP Suwon (Hàn Quốc). Không khí lễ hội, giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật của di tích đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với các du khách này.

Sự tương đồng về văn hóa

Đây là nhận xét đầu tiên của ông Park Yong Min, Giám đốc Phòng Hỗ trợ hành chính chính quyền TP Suwon, Trưởng đoàn đại biểu khi về tham dự Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.

Lần đầu tiên đến Việt Nam và cũng là lần đầu đến Côn Sơn - Kiếp Bạc nên những nét tương đồng về văn hóa, giá trị đặc sắc về kiến trúc, cảnh quan của quần thể di tích quốc gia đặc biệt được ông Park Yong Min cảm nhận rất rõ rệt.

Chứng kiến màn so tài giữa các pháo thủ của 7 đội pháo đất tại lễ hội, ông Park Yong Min rất ngạc nhiên khi được tận mắt xem những nông dân lấm lem hăng say nhào đất, giẫm đất, nặn pháo và gieo pháo. Khẽ giật mình khi một quả pháo được gieo xuống đất kèm theo tiếng nổ trầm vang như tiếng sấm, ông Park Yong Min càng ngạc nhiên hơn khi được giải thích về tích của trò chơi này. 

"Ngày 15 tháng giêng, Hàn Quốc có một lễ hội dân gian với rất nhiều trò chơi như ném gỗ, bắn cung… nhưng không chơi pháo đất. Đây có lẽ là một trò chơi dân gian đặc biệt mà ít nơi nào có được. Hàn Quốc cũng là một đất nước rất phát triển về Phật giáo nên khi tham dự lễ hội này, tôi càng thấy rõ nét sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc", ông Park Yong Min cho biết.


Các thành viên đoàn đại biểu TP Suwon dâng hương tại Tây Nhạc miếu trong lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc

Lần thứ ba đến Việt Nam và đều tham dự Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, ông Lee Hyung Seok, chuyên viên quan hệ quốc tế, Phòng Hỗ trợ hành chính chính quyền TP Suwon cho biết sau 4 năm mới quay trở lại và nhận thấy sự thay đổi rõ nét về cảnh quan, không khí, quy mô lễ hội cũng như cách sắp xếp, bài trí trong di tích. Lần đầu đến với di tích Côn Sơn vào năm 2017, ông Lee Hyung Seok kể khi đó vẫn còn khá lộn xộn, nhưng nay đều gọn gàng, sạch sẽ, khoa học và vẫn bảo đảm tính trang nghiêm của một nơi thờ tự, tương tự như các di tích ở Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, các ông Lee Hyung Seok, Park Yong Min cùng các thành viên trong đoàn đã tham dự nhiều sự kiện như Lễ khai hội, Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, Liên hoan pháo đất... Qua tất cả các sự kiện, đoàn khách đến từ TP Suwon đều có chung một cảm nhận về mảnh đất, con người Hải Dương giàu truyền thống văn hóa, hiếu khách, cởi mở cùng những di sản đặc sắc. Họ cho biết rất ấn tượng và nhớ mãi những nụ cười, câu "Hello" của những du khách không quen biết khi họ gặp trên đường.

Sẽ kể cho mọi người về Côn Sơn - Kiếp Bạc

Cách đây 19 năm, Hải Dương và TP Suwon thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa 2 địa phương tiếp tục được củng cố và mở rộng hợp tác, nhất là về kinh tế. Tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, đoàn đại biểu của TP Suwon gồm 6 thành viên đã tham dự đầy đủ lịch trình.

Dù khá vất vả khi vừa trải qua hành trình lên, xuống núi Ngũ Nhạc để dự lễ tế trời đất, song ông Trưởng đoàn Lee Hyung Seok vẫn nhiệt tình đưa ra những nhận xét về khu di tích Côn Sơn và một số hoạt động trong lễ hội.


Đoàn đại biểu TP Suwon nghe giới thiệu về đền thờ Tư đồ Trần Nguyên Đán trong khu di tích Côn Sơn

Tại lễ tế, ông Lee Hyung Seok đã rất ấn tượng khi được giải thích về nghi lễ phát ngũ cốc cho nhân dân và du khách. Ông Lee Hyung Seok cho rằng Việt Nam có nền văn minh lúa nước lâu đời và nông nghiệp vẫn là một thế mạnh rất lớn. Người dân Hải Dương cũng như Việt Nam cần cù, chịu khó. Phát ngũ cốc để cầu mong mùa màng bội thu, nhân dân no đủ không chỉ là một nghi thức truyền thống văn hóa, lịch sử mà còn cho thấy con người ở đây rất quý trọng nông sản mình làm ra.

Ông Park Yong Min cho biết thêm khi đến đây, thấy phong cảnh di tích Côn Sơn có rất nhiều nét tương đồng với phong cảnh di tích đền, chùa của Hàn Quốc. Ông cũng tỏ ra nuối tiếc vì gấp gáp nên chưa có nhiều thời gian tìm hiểu sâu về lịch sử khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. "Nhưng chắc chắn tôi sẽ kể với bạn bè, gia đình ở Hàn Quốc về thắng cảnh tuyệt vời này. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại Côn Sơn - Kiếp Bạc", ông Park Yong Min nói.

Nói về du lịch của Hải Dương cũng như tại Côn Sơn - Kiếp Bạc, ông Lee Hyung Seok cho rằng Hải Dương có rất nhiều tiềm năng phát triển. "Tôi biết rằng ở Hải Dương còn có văn miếu, bảo tàng cùng rất nhiều điểm di tích, du lịch khác. Tôi nghĩ chúng ta cần có phương án tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa về những địa điểm này đến công chúng trong nước và nước ngoài. Chắc chắn Hải Dương sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch trong tương lai", ông Lee Hyung Seok cho biết.

TIẾN HUY - HÀ KIÊN