[Audio] Chuyển biến từ môi trường đầu tư, kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:02, 09/06/2023
Thời gian qua, nhờ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Hải Dương đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Công ty TNHH Sản xuất giấy Leo Việt Nam đang nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất tại Hải Dương
Kết quả cụ thể
Năm 2021, Nghị quyết 08 ra đời trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa có nhiều đột phá. Điều này thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2020 chỉ xếp thứ 47 trong 63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 9 trong 10 địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng. Một số chỉ số thành phần như thiết chế pháp lý, tính minh bạch, chi phí thời gian… có nguy cơ tụt hậu. Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08 với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế của chính quyền.
Thực hiện Nghị quyết 08, tỉnh đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Hải Dương đã rà soát, đưa 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, đất đai, cấp phép lao động, nước ngoài… Lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm từ 3 xuống tối đa 2 ngày làm việc, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm từ 15 xuống còn 7 ngày làm việc. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ 30 xuống không quá 10 ngày làm việc. Thẩm định thủ tục đánh giá tác động môi trường từ 30 xuống còn 20 ngày. Giảm từ 7 xuống còn 3 ngày đối với cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài…
Đại diện Công an tỉnh giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về phòng cháy, chữa cháy tại hội nghị gặp mặt của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh sáng 18.5.2023. Ảnh: Thành Chung
Một trong những dấu ấn, kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 08 của Hải Dương là tỉnh duy trì tổ chức hội nghị đối thoại, gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thông qua các cuộc trao đổi, gặp mặt trực tiếp, lãnh đạo tỉnh nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng để đưa ra chỉ đạo "nóng", kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp có niềm tin vào sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh là người thường xuyên tham gia, theo dõi các cuộc đối thoại, gặp mặt của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh cách làm của tỉnh. “Việc làm này thể hiện thiện chí, tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh khi chủ động nắm bắt tình hình hoạt động và vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đồng thời góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp để các bên tìm được tiếng nói chung", ông Nghệ cho biết.
Sớm khắc phục những hạn chế
Nhờ những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương có nhiều chuyển biến. Năm 2021, tỉnh đứng thứ 13 cả nước, thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2022, mặc dù thứ hạng PCI giảm song tỉnh lại tạo được ấn tượng với chỉ số xanh (PGI) khi đứng thứ 6 cả nước. Kết quả này là sự kiên định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, cần sớm khắc phục. Theo đánh giá khách quan thông qua việc điều tra doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì Hải Dương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt thủ tục đầu vào nhưng nhóm thủ tục sau đăng ký thì còn hạn chế, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.
Đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng PCI cao trong cả nước và đứng trong tốp 5 vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh quán triệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong ba khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh chỉ rõ những hạn chế, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục. Đó là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, kinh doanh, chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được quan tâm đúng mức. Một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, chậm tháo gỡ…
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư Pulsar Products INC (Hoa Kỳ) thực hiện dự án tại khu công nghiệp Lai Vu
Hải Dương cũng xác định "chìa khoá" để tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc trên là yếu tố con người. Thời gian tới, tỉnh chú trọng việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm các vi phạm gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp trong thực thi công vụ.
Năm 2021, toàn tỉnh có 1.436 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký 18.448 tỷ đồng. Năm 2022, Hải Dương có 1.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 17.500 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp. 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có thêm 794 doanh nghiệp mới thành lập với số vốn đăng ký hơn 6.800 tỷ đồng. Năm 2022, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh khởi sắc hơn so với năm 2021, đạt 363,5 triệu USD, tăng 13,8%. |
PV