Văn hoá-Xã hội

Chiêm ngưỡng 2 bảo vật quốc gia độc đáo

PV 31/08/2023 06:00

2 trong số 3 tòa Cửu phẩm Liên hoa ở Việt Nam là bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ tại Hải Dương. Cả 2 công trình điêu khắc này đều thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy của các bậc cha ông xưa.

chuagiamcoverchuancopy-1-.jpg

2 trong số 3 tòa Cửu phẩm Liên hoa ở Việt Nam là bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ tại Hải Dương. Cả 2 công trình điêu khắc này đều thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy của các bậc cha ông xưa.

tit-1-copy(1).png

Trong hàng vạn ngôi chùa ở khắp Việt Nam hiện nay chỉ còn 4 tòa Cửu phẩm Liên hoa, thì ở Hải Dương có 3 tòa, tại chùa Côn Sơn (Chí Linh), chùa Giám (Cẩm Giàng) và chùa Đồng Ngọ (TP Hải Dương). Tòa Cửu phẩm Liên hoa còn lại hiện được lưu giữ tại chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh). Trong 4 tòa Cửu phẩm Liên hoa nói trên, thì 3 tòa được công nhận bảo vật quốc gia, gồm Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám, chùa Đồng Ngọ và chùa Bút Tháp. Tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn mới được phục dựng sau này, gần dấu tích tòa Cửu phẩm Liên hoa từng tồn tại ở đây song đã bị thời gian, mưa nắng phá hủy.

Chùa Giám còn có tên Nghiêm Quang Tự, nằm ở phía đông huyện Cẩm Giàng, được xây dựng năm 1336. Có lẽ, hiếm ngôi chùa nào ở Việt Nam được di chuyển toàn bộ từ nơi này sang nơi khác nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị kiến trúc, quy mô và hiện vật như chùa Giám.

chuagiam300923_20.jpg
Công trình điêu khắc thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy của các bậc cha ông xưa
chuagiam300923_22.jpg
chuagiam300923_23.jpg
chuagiam300923_24.jpg

Tháng 4.1970, để bảo vệ ngôi chùa trước lũ lụt, từ xã Đức Chính (cùng huyện Cẩm Giàng), chùa Giám chuyển về xã Cẩm Sơn (nay là xã Định Sơn), cách vị trí cũ gần 7 km. Trong số hàng ngàn hiện vật, chi tiết kiến trúc đi theo chuyến hành trình ấy, còn có tòa Cửu phẩm Liên hoa bây giờ. Đây là hiện vật quý hiếm ở Việt Nam, đã được Nhà nước bảo hộ.

Tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám nằm trong nhà phẩm, ngay trước nhà tổ.

chuagiam300923_4.jpg
Nhà phẩm - nơi lưu giữ Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám

Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám được tạo tác bằng gỗ, có hình lục giác màu cánh sen. Sau hơn 3 thế kỷ, mặc dù lớp sơn đã phai màu cùng thời gian, song còn khá rõ ràng, dù đã bị xỉn màu. Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám có 9 tầng, mỗi tầng có 18 vị Bồ Tát ngự và 54 tầng cánh sen nổi, khắc những họa tiết sinh động.

chuagiam300923_3.jpg
Cánh sen khắc nổi còn rất sắc nét, cho thấy trình độ nghệ thuật và kỹ thuật cao của những người thợ tài hoa từ nhiều thế kỷ trước

Tổng cộng Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám có 145 pho tượng, tượng Phật A Di Đà ngự tầng trên cùng. Tòa Cửu phẩm Liên hoa nặng 4 tấn, trước đây, nếu hợp lực để đẩy, tòa tháp sẽ xoay vòng tròn.

chuagiam300923_6.jpg
Hình tượng tre, trúc còn sắc nét trên toà Cửu phẩm Liên hoa

Ngoài hình tượng hoa sen - biểu tượng của Phật giáo, hình ảnh của tre, trúc cũng hiển thị rõ ràng trên tòa Cửu phẩm Liên hoa. Các chi tiết còn đều rất sắc nét, hài hòa trong tổng thể của kiến trúc độc đáo này.

chuagiam300923_5.jpg
Mỗi bức tượng phật trên cánh sen tòa Cửu phẩm Liên hoa lại mang một thần thái khác nhau

Ngay phía trước tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám là bức tượng Phật lớn đã phủ màu thời gian. Bức tượng trầm mặc đứng trong hương trầm vương vấn càng tăng thêm vẻ đẹp huyền bí của tòa Cửu phẩm Liên hoa bảo vật quốc gia.

chuagiam300923_7.jpg
Bức tượng Phật lớn đứng uy nghi ngay trước tòa Cửu phẩm Liên hoa

Chùa Giám là nơi thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, quê gốc ở xã Cẩm Vũ (cùng huyện Cẩm Giàng) nhưng tu tập ở chùa Giám. Tại đây, ông xây dựng các vườn thuốc nam và biến chùa thành nơi chữa bệnh cứu người. Trong nhà tổ của chùa Giám hiện có bức tượng Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh và hằng ngày đều có người hương khói để tưởng nhớ công lao của vị thánh thuốc nam - ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam đương thời.

chuagiam300923_8.jpg
Chùa Giám là nơi thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh - ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam
td1chuagiam-ok.jpg

Không chỉ là một đại danh lam cổ tích, chùa, nghè Giám hiện còn lưu giữ được một khối lượng di vật, cổ vật có giá trị. Ngoài tòa Cửu phẩm Liên hoa có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, chùa còn lưu giữ 2 chuông đồng lớn đúc vào các năm 1762 và 1848. 16 bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX ghi chép về việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo, đúc và tạo tượng Phật chùa Giám. Đây không chỉ là những văn bản quý để nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển di tích mà còn chứng tỏ sự quan tâm của nhân dân, chính quyền triều Lê, Nguyễn đối với danh lam cổ tích Nghiêm Quang tự.

chuagiam300923_9.jpg
Tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám có 9 tầng, cao đến sát mái nhà phẩm. Đợt 4 năm 2015, công trình kiến trúc này đã được công nhận bảo vật quốc gia

Ở Hải Dương còn có tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương). Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ và chùa. Giám là 2 trong tổng số 8 bảo vật quốc gia của Hải Dương cho đến thời điểm hiện tại.

chuagiam300923_10.jpg
Cửa chính vào chùa xây kiểu gác chuông hai tầng, bốn mái chồng diêm, trên có treo một quả chuông cao 1,5 m, đúc năm 1813

Theo dòng chữ khắc trên nóc chùa: “Thái Bình nhị niên thừa Khuông Việt chỉ truyền hạ chiếu tạo tự. Đại Chính nguyên niên sắc tỷ kỳ ly tự Đào Chu trụ trì", thì chùa Đồng Ngọc do nhà sư Khuông Việt khởi dựng năm 971. Năm 1530, nhà sư Đào Chu trụ trì tại đây đã trùng tu lại. Ngôi chùa còn nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là một trong 2 ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương.

chuagiam300923_11.jpg
Công trình kiến trúc đặc sắc nhất ở chùa Đồng Ngọ là tòa Cửu phẩm Liên hoa dựng vào thời Lê, đến nay đã hơn 3 thế kỷ

Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ nằm giữa tam bảo và nhà tổ. Nhà cửu phẩm có diện tích 69 m2, phía trong có tòa Cửu phẩm Liên hoa cao 5,7 m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng tượng trưng cho 9 bông hoa sen xếp chồng lên nhau. Mỗi mặt gắn 3 pho tượng Phật, ở giữa là Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù, Phổ Hiển Bồ Tát, tổng số 163 pho tượng.

So với Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám thì Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ không còn giữ được vẻ đẹp trầm mặc. Các họa tiết, pho tượng đều đã được sơn son thếp vàng trong những lần trùng tu gần đây. Theo đánh giá của giới chuyên môn, những chi tiết trên Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ có phần không tinh xảo như ở chùa Giám. Tuy vậy, về tổng thể, đây vẫn là một hiện vật rất quý, đã hơn 3 thế kỷ, có giá trị rất lớn về kiến trúc, nghệ thuật và là 1 trong 3 tòa Cửu phẩm Liên hoa còn lại ở Việt Nam.

chuagiam300923_12.jpg
Các họa tiết, pho tượng trên Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ đều đã được sơn son thếp vàng trong những lần trùng tu gần đây

Các pho tượng tại Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ được tạo tác bằng gỗ. Về tổng thể, đây là một kiến trúc đặc sắc về thế giới Phật pháp vô biên, huyền diệu, tầng tầng, lớp lớp. Tòa cửu phẩm được đặt trên những chiếc chân cột đá hình hoa sen. Cũng giống như ở chùa Giám, Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ hiện không còn quay được nữa. Trong 163 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất 60 pho tượng.

Đến năm 2016, Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ được công nhận bảo vật quốc gia.

chuagiam300923_13.jpg
Nhiều pho tượng hiện nay ở Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ mới được làm khi trùng tu
tit-2-copy.png

Cửu phẩm Liên hoa là công trình sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Công trình kiến trúc này không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm. Các chùa xây dựng tháp Cửu phẩm Liên hoa là những trung tâm Phật giáo hoặc gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng. Có quan niệm cho rằng Cửu phẩm Liên hoa là một cái cối kinh dùng để xay ra lúa gạo, xoay càng nhiều thì càng mang lại điều tốt lành và của cải. Sự xuất hiện của các tháp Cửu phẩm Liên hoa giúp an ủi tinh thần con người trong xã hội thế kỷ XVII -XVIII, khi các cuộc nội chiến xảy ra liên miên.

chuagiam300923_14.jpg
Các chùa xây dựng tháp Cửu phẩm Liên hoa là những trung tâm Phật giáo hoặc gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng. Trong ảnh: Cửu phẩm Liên hoa tọa ở chùa Giám - nơi gắn liền với Thiền sư Tuệ Tĩnh

Mặc dù mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu, song 2 tòa Cửu phẩm Liên hoa bảo vật quốc gia tại Hải Dương không thể tránh khỏi sự bào mòn của thời gian, nhất là tại chùa Giám. Bằng chứng là cả 2 tòa cửu phẩm này hiện đều không quay được, trong khi cửu phẩm là kiến trúc có thể quay bằng lực đẩy của con người giúp an ủi tinh thần ở thời điểm khi các cuộc nội chiến xảy ra liên miên.

Trong 2 nhà phẩm và tòa cửu phẩm, thì tại chùa Đồng Ngọ hiện trạng còn khá tốt. Nhà phẩm chắc chắn, kiên cố, còn tòa cửu phẩm ít mang dấu vết bào mòn của thời gian.

chuagiam300923_15.jpg
Nhà phẩm nơi có tòa Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Đồng Ngọ còn rất chắc chắn và kiên cố

Thế nhưng, nhà phẩm của chùa Giám đã xuống cấp nặng nề, rất nguy hiểm khi vào mùa mưa bão. Hiện nay, địa phương đã phải gia cố nhà phẩm bằng cột thép xung quanh nhà phẩm. Phần mái ngói bên phải và phía sau nhà phẩm đã bị xô lệch, thủng lỗ chỗ. Nhà chùa đã phải đóng 1 cửa phía trước và bên phải nhà phẩm để hạn chế người ra vào.

Thượng tọa Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám cho biết: "Nước mưa là cưa trời. Công trình nhà phẩm đã hư hại, mưa nắng có thể trực tiếp ảnh hưởng đến tòa cửu phẩm. Rất mong mỏi công trình tu bổ, tôn tạo chùa Giám sớm được triển khai để bảo vệ giá trị di tích, đặc biệt là tòa cửu phẩm bảo vật quốc gia".


Tuy vậy, sau hơn 3 thế kỷ, trục gỗ đã bị xô lệch và chưa được sửa chữa. Vì vậy, tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám hiện không quay được. Nhà chùa cũng dán thông báo "Không được vào quay" ở đế tòa cửu phẩm.

chuagiam300923_18.jpg
Tòa cửu phẩm chùa Giám không còn quay được khoảng 20 năm nay
td2-chuagiamok-copy.jpg

Cuối năm 2022, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Giám, với tổng dự toán kinh phí hơn 31,2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, chủ đầu tư là UBND huyện Cẩm Giàng. Đây là một tín hiệu vui đối với nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Theo từ điển Phật học Hán - Việt, cửu phẩm trong kinh sách Phật giáo có nhiều loại khác nhau. Cửu phẩm Liên hoa có nghĩa là 9 tầng hoa sen, hay còn gọi là Cửu phẩm liên đài, Cửu phẩm tịnh sát, hoặc Cửu phẩm an dưỡng. Đây là hình ảnh tượng trưng cho những phẩm bậc tu hành của Phật giáo Tịnh Độ Tông, do đó nó còn có một tên khác nữa là Cửu phẩm Tịnh Độ. Mỗi đài sen ở các phẩm này chứng cho mỗi kiếp đời khác nhau ứng với những công quả vãng sinh khác nhau. Những đài sen càng cao bông sen nở ra thì phẩm trật của nó càng cao, càng thanh khiết, càng gần với tâm cốt lõi của Phật tính.

chuagiam300923_19.jpg
Chùa Giám, trong đó có nhà phẩm và tòa Cửu phẩm Liên hoa sẽ được trùng tu, tôn tạo

Còn trong hệ thống điêu khắc và kiến trúc chùa tháp Việt Nam, Cửu phẩm Liên hoa là một dạng tháp hết sức đặc biệt. Tháp nội tiếp trong một tòa phẩm thông ba tầng, mỗi tầng 4 mái, được thiết kế dạng hình lục lăng hoặc hình bát giác với 9 tầng hoa sen, trên một trục nối từ đất đến trần của tòa tháp. Ở các đỉnh của đa giác thường được thiết kế những trụ chống đỡ, giúp cho toàn bộ tòa tháp có thể quay dễ dàng.

Cửu phẩm Liên hoa chính là một biểu tượng toàn bích của thế giới Phật giáo, là sự liên kết của rất nhiều giá trị biểu tượng khác nhau. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng nhất của hình tượng này chính là sự khuyến dụ con người tự mình phải luôn tự vận động vượt lên chính mình, làm điều thiện bỏ điều ác.

Vì thế, sự tồn tại của 2 trong tổng số 3 bảo vật quốc gia là Cửu phẩm Liên hoa tại Hải Dương là một điều hết sức đáng quý, cần được lưu giữ, bảo tồn.

box2-copy-1-.png

Nội dung: TIẾN HUY

Đồ họa: TUẤN ANH

Trình bày: THIÊN BÌNH

PV