"Bức tranh" cá lồng Hải Dương
Với lợi thế ven sông, số lồng nuôi cá ở Hải Dương tăng nhanh và trở thành một trong những tỉnh có số lượng lồng nuôi lớn nhất khu vực. Đây cũng là một trong những hình thức nuôi thủy sản quan trọng của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Với lợi thế ven sông, số lồng nuôi cá ở Hải Dương tăng nhanh và trở thành một trong những tỉnh có số lượng lồng nuôi lớn nhất khu vực. Đây cũng là một trong những hình thức nuôi thủy sản quan trọng của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Số lượng lớn
Hơn chục năm trở về trước, xã Nam Tân từng là vùng quê nghèo của huyện Nam Sách nhưng giờ đã khác. Nam Tân trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của Hải Dương với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm rộng mở, hạ tầng cơ sở được nâng cấp phục vụ nhu cầu của người dân. Có được kết quả này, ngoài sự chung sức đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương còn có sự tác động to lớn từ nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy.
Năm 2009, tận dụng lợi thế gần sông Kinh Thầy, một số gia đình ở Nam Tân thử sức với nghề nuôi cá lồng. Cũng từ đây, nghề nuôi cá lồng đã mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực nuôi thủy sản của địa phương. Nam Tân cũng trở thành “cái nôi” của nghề nuôi cá lồng ở Hải Dương.
Nam Tân có bãi sông thoải, dòng chảy phù hợp để đặt các lồng nuôi cá. Chưa đầy 5 km sông Kinh Thầy chảy qua địa bàn xã có tới 1.080 lồng nuôi cá của hơn 60 hộ dân. Nơi đây đã hình thành cộng đồng dân cư nhỏ cùng sinh sống gắn kết với nghề nuôi cá lồng. Loại cá được nuôi chủ yếu là cá lăng đen, chép giòn, trắm giòn, diêu hồng...
Gắn bó với khúc sông này nhiều năm, ông Trần Văn Đương hiện có 40 lồng nuôi cá. Theo ông Đương, nuôi cá ở sông có thể thực hiện với quy mô lớn vì nước sông luôn sạch, cá sống khỏe hơn nuôi trong ao. Trung bình, mỗi lồng có diện tích 36 - 54 m2 người nuôi có thể cho thu hoạch tới 5 tấn cá. Mỗi vụ nuôi cá lồng kéo dài từ 1 - 2 năm, tùy vào kích thước lúc cá mới thả lồng và loại cá khác nhau. Mỗi lồng nuôi, từ đầu tư xây dựng, tiền giống, tiền thức ăn đến thuê nhân công hết từ 300 – 400 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, mỗi lồng lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ. Những năm được giá, một lồng cá có thể lãi đến 150 triệu đồng. Hiện với khoảng 60% tổng số lồng nuôi được thu hoạch mỗi vụ, ông thu lãi cả tỷ đồng.
“Đã gắn bó và trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi cá lồng nên tôi có thể khẳng định, không nghề chăn nuôi nào hiệu quả như nuôi cá lồng. Chỉ cần kiên trì, bền bỉ cùng với sự cần cù, sáng tạo thì dòng sông sẽ cho ta những gì xứng đáng”, ông Đương chia sẻ.
Nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng lan sang các địa phương khác trong đó có phường Nam Đồng (TP Hải Dương). Đến nay, toàn phường có hơn 900 lồng nuôi cá của 86 hộ.
Ông Mạc Văn Bộ ở khu dân cư Đồng Ngọ là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng ở phường Nam Đồng. Từ một vài lồng ban đầu, đến nay ông đã có 20 lồng nuôi cá, chủ yếu là trắm và chép. Những năm đầu, số lồng nuôi còn ít nên cá lồng phát triển thuận lợi với giá bán cao. Thời ấy, mỗi lồng nuôi cá có thể lãi tới vài trăm triệu đồng nhưng những năm gần đây giá cá biến động trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên thu nhập không còn cao như trước. Dù vậy, những người bám trụ với nghề vẫn có lãi.
Theo số liệu của Cục Thống kê, Hải Dương hiện có 7.358 lồng đang nuôi, sản lượng cá nuôi lồng đạt trên 20.000 tấn, chiếm gần 22% sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Hải Dương là địa phương có truyền thống nuôi cá nước ngọt với quy mô lớn, đồng thời có hệ thống sông ngòi dày đặc, chất lượng nước, địa hình bãi sông rất phù hợp để phát triển cá lồng. Với việc ứng dụng công nghệ cao, nhiều cơ sở được lắp đặt hệ thống chăm sóc theo dõi tự động, trích xuất QR code, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều năm nay, cá lồng Hải Dương đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người nuôi và các địa phương”.
Nuôi cá đặc sản
Không chỉ là “cái nôi” cá lồng Hải Dương, Nam Tân còn là địa phương đi đầu trong phong trào nuôi cá đặc sản như cá lăng, ngạnh, quế, trắm, chép giòn… Để nuôi được cá trắm, chép giòn cũng công phu và cầu kỳ ngay từ khâu lựa chọn giống. Trong giai đoạn đầu cá được nuôi và cho ăn bình thường như các loại cá khác. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 2kg trở lên (khoảng 1 năm tuổi) sẽ chọn để đưa sang lồng nuôi thành cá giòn. Cá trắm, chép chọn nuôi phải khỏe mạnh, hình dáng đẹp.
Khi được đưa vào lồng nuôi cá giòn, cá sẽ chỉ ăn hạt đậu tằm. Có những thời điểm, cá giòn bán được với giá từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, với 5 tấn cá mỗi lồng, người nuôi dễ dàng thu lãi gần 150 triệu đồng/vụ. Không dừng lại ở đó, nhiều hộ nuôi cá lồng ở Nam Tân còn đang nuôi thử nghiệm cá tầm, một loại cá chỉ quen sống trong môi trường nước lạnh.
Hiện có tới 80% số hộ ở xã Nam Tân nuôi các loại cá đặc sản
Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân chia sẻ: “Xã có hơn 1.000 lồng nuôi cá trên sông thì có tới 80% số lồng nuôi cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Từ năm 2021, một số hộ còn thử nghiệm nuôi cá tầm và đã đạt được những thành công nhất định. Từ một vài hộ nuôi đến nay đã có chục hộ nuôi với khoảng 100 lồng nuôi cá tầm. Đây sẽ là hướng đi mới, nhiều triển vọng cho người nuôi cá lồng địa phương”.
Nuôi cá tầm từ năm 2021, ông Nguyễn Huy Toản đã chứng minh cá tầm hoàn toàn có thể sinh trưởng và phát triển tốt với điều kiện môi trường của Hải Dương. Thời điểm nuôi thích hợp nhất là từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau. Khi ấy, nhiệt độ trong nước chỉ từ 23 – 24 độ C, rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cá. Cá lớn nhanh nên chỉ sau khoảng 7 – 8 tháng, cá đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg và đủ điều kiện xuất bán.
Với giá bán từ 200.000 – 240.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi từ 100.000 – 150.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại cá đặc sản khác. “Hiện nay tôi tiếp tục nuôi thử nghiệm 1 vạn con cá tầm. Những vụ trước, do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ cá hao hụt nhiều. Vụ này, tôi mong rằng sẽ đạt kết quả tốt hơn. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán, cá tầm sẽ cho thu hoạch”, ông Toản nói thêm.
Những tỷ phú cá lồng
Ban đầu, ông nuôi cá trắm, chép, diêu hồng, cá lăng… cho giá trị kinh tế khá. Tuy nhiên, với ông những loại cá đại trà ấy không thể khai thác hết tiềm năng của cá lồng nên ông đã nảy ra ý tưởng nuôi "cá sạch”, và bắt đầu với cá chép sạch-loại cá giàu giá trị dinh dưỡng cao và rất được ưa chuộng trên thị trường.
Trong 2 năm đầu tiên, cá chép được nuôi thông thường nhưng từ năm thứ 3 trở đi, cá được nuôi bằng loại thức ăn đặc biệt. Đó là ấu trùng của ruồi lính đen. Các lồng cá chép sạch của ông Thường đã nuôi được 6 tháng, trọng lượng đạt từ 7 – 8 kg/con và đủ tiêu chuẩn xuất bán.
Để làm tốt khâu tiêu thụ, ông đã chuẩn bị 20 điểm bán cá chép sạch tại thị trường Hà Nội. Đây cũng là hướng đi mới, hoàn toàn khác biệt so với nuôi cá giòn ở xã Nam Tân. “Sắp tới, tôi sẽ xuất khoảng 200 tấn cá sạch ra thị trường với thương hiệu Casafish. Với giá bán trung bình khoảng 150.000 đồng/kg, vụ cá này tôi có thể thu lãi hàng tỷ đồng từ 200 tấn cá sạch này. Thời gian tới, tôi cũng sẽ mở rộng quy mô nuôi ấu trùng của ruồi lính đen và tập trung xây dựng thương hiệu cá chép sạch của mình”.
Nói tới tỷ phú cá lồng không thể không nhắc tới ông Nguyễn Trung Tựu ở xã Nam Tân. Ông là người luôn đi đầu trong việc nuôi cá đặc sản và ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc cá.
Năm 2014 ông nuôi 35 lồng, chủ yếu cá lăng và cá diêu hồng. Mỗi năm, ông thu được 190 - 200 tấn cá, giá bán dao động từ 70.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại cá, trừ chi phí con giống, thức ăn, nhân công, tiền lãi ngân hàng, khấu hao tài sản cố định, mỗi lồng cá cho thu lãi từ 40 – 45 triệu đồng. Tổng cộng ông thu lãi trên 1 tỷ đồng. Nhận thấy, để đầu ra cho cá lồng được ổn định thì cần nâng cao được chất lượng sản phẩm nên ông đã tìm hiểu và đầu tư nuôi cá trắm và cá chép giòn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm đầu tiên ông nuôi cá thịt, sang năm thứ 2 thì cho cá ăn đậu tằm từ 6 - 8 tháng để trở thành cá đặc sản trắm giòn và chép giòn. Năm 2018, ông đăng ký thương hiệu “Cá trắm giòn và cá chép giòn Nguyễn Trung Tựu”, mỗi sản phẩm ông cho đăng ký có truy xuất nguồn gốc, chip được gắn ở vây cá. Thương hiệu cá trắm giòn và cá chép giòn của ông cung cấp cho trên 100 đại lý bán buôn và bán lẻ toàn quốc, chủ yếu các đầu mối chợ Yên Sở, chợ Long Biên, chợ Bắc Ninh, Bắc Giang và xuất theo đường hàng không vào thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện ông có khoảng 100 lồng nuôi cá trên sông, trong đó 45% cá thịt, 55% cá đặc sản. Mỗi năm gia đình ông thu được từ 500 – 600 tấn cá đặc sản, với giá 150.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi hàng chục tỷ đồng.
Nghề nuôi cá lồng đã và đang trở thành hình thức nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao ở Hải Dương. Có không ít tỷ phú cá lồng nhưng cũng nhiều hộ lao đao bởi nghề này. Nghề gắn liền với sông nước và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên nhiên nên luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong lịch sử của nghề, đã có hàng trăm tấn cá lồng “trôi sông” do nước lũ, do dịch bệnh…
Với mục tiêu phát triển nghề nuôi cá lồng bè bền vững gắn bảo đảm môi trường, Hải Dương đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp và người dân để liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho cá lồng bè.
Thực hiện: TRẦN HIỀN - NGUYỄN LAN
Ảnh: THÀNH CHUNG
Đồ họa: HÀ KIÊN-TUẤN ANH