Cổ vật của 4 triều đại trưng bày ở Sài Gòn
Gần 200 hiện vật thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn trưng bày trong triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, quận 1.
Triển lãm mang chủ đề "Di sản và ký ức - Bức tranh từ những mảnh ghép" giới thiệu 170 cổ vật của 27 nhà sưu tập trên cả nước. Hiện vật thuộc bốn triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê và Nguyễn, trải dài từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20.
Các hiện vật này chủ yếu là gốm Việt Nam với nhiều loại đồ gia dụng, thờ cúng, trang trí, đồ dùng để uống trà, rượu. Ngoài ra còn có gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc, Pháp sản xuất.
Xưa nhất là các cổ vật của thời Lý (thế kỷ 11 đến 13) với bảy hiện vật là ấm và bát.
Vào thời Lý, gốm sứ được chế tác tinh xảo với các dòng chính như gốm men trắng, men ngọc, men xanh lục, men vàng, men nâu... Gốm được tạo tác hoa văn với ba loại kỹ thuật cơ bản là đắp nổi, khắc chìm và in khuôn. Đặc điểm gốm thời Lý có xương gốm mỏng, men mỏng, nung nhẹ lửa. Một số loại không trang trí hoa văn nhưng vẻ đẹp của nó được thể hiện tinh tế qua hình dáng, màu men.
Chiếc ấm thời Lý vẫn còn nguyên vẹn sau gần 1.000 năm. Vì sử dụng chủ yếu là đất sét trắng nên gốm thường có màu ngà.
Các hiện vật gốm thời Trần phong phú hiện vật hơn với âu, bát, thạp, bình nhang...
Gốm thời Trần được phát triển kế thừa từ gốm thời Lý nhưng đã tạo ra nhiều loại hình mới như gốm hoa nâu và hoa lam. Đề tài trang trí phổ biến là hoa sen, súng, cúc, thị, hình người, động vật...
Nhà sưu tập Nguyễn Đức, quận 12, bên chiếc đĩa từ thời Lê Trung Hưng của mình, mang tới trưng bày tại triển lãm. "Tôi chỉ mang một hiện vật nhưng rất quý. Chiếc đĩa này thuộc dòng gốm Chu Đậu, được vớt lên từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Nổi bật là hoa văn hình con chó cách điệu", nhà sưu tập 48 tuổi nói.
Số lượng nhiều nhất là các cổ vật thời Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Các cổ vật nhà Nguyễn trưng bày phong phú như kim sách, tượng, khay, chén dĩa, hộp gỗ, lư hương, nghiên mực...
Nổi bật là cuốn kim sách bằng đồng, chế tác năm 1869 dưới thời vua Tự Đức (trị vì 1847-1883) - hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn.
Sách kim loại là loại văn bản thường làm bằng vàng, bạc, bạc mạ vàng, đồng... dùng để ghi các sự kiện quan trọng như dâng thụy hiệu cho hoàng đế, hoàng hậu, lập thái tử, tấn tôn các phi tần trong hậu cung hoặc phong tước cho các hoàng tử...
Chiếc lư hương kim loại cỡ lớn, trang trí tinh xảo có niên đại từ thế kỷ 19.
Đường nét hoa văn cầu kỳ khắc trên chiếc khay bằng gỗ.
Dưới thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc gỗ đạt trình độ cao, nhiều sản phẩm được tạo tác mang tính nghệ thuật với phong cách đăng đối hài hòa. Các sản phẩm gồm khay trà, khay mứt hoặc hộp đựng trang sức, sắc phong...
Vào thời Nguyễn có nhiều làng gốm trên khắp cả nước. Miền Bắc là các làng Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng có lịch sử lâu đời, miền Trung có làng gốm Phước Tích, Thanh Hà, Quảng Đức. Miền Nam có sự xuất hiện của các dòng gốm mới như Sài Gòn, Lái Thiêu, Biên Hòa nổi bật với loại hình gia dụng, thờ cúng và trang trí mỹ thuật.
Hàng chục vật dụng như bình, dĩa, hộp, chén... thuộc nghệ thuật pháp lam, được sử dụng trong cung đình Huế, xưa nhất là cổ vật có từ thời vua Minh Mạng.
Pháp lam có xuất xứ từ phương Tây được những người thợ Trung Quốc tiếp thu, cải biến và truyền bá sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đặt Tượng cục Pháp lam để chế tác đồ cho cung đình. Sản phẩm bao gồm các loại hình đồ gia dụng, đồ thờ cúng và trang trí kiến trúc nội, ngoại thất các cung điện.
Triển lãm còn trưng bày gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Hiện vật gồm các loại chén, bát, đĩa, bộ đồ trà, bộ đĩa chén trà, thố, nậm… đa dạng về hoa văn, họa tiết trang trí với men ngọc và men xanh trắng.
Triển lãm diễn ra từ ngày 28/8 đến hết ngày 30/10.