Thị trường

Thị trường gạo biến động

HUYỀN TRANG 30/08/2023 11:00

Thời gian gần đây, giá gạo đã tăng mạnh. Điều này đã tác động nhất định đến hoạt động của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân.

W_bhd_luagao_202320233008_1.jpg
Giá gạo tăng đã ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này

Giá gạo tăng đột biến

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hải Dương, hiện nay, tại một số đại lý kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh, giá gạo đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng. Cụ thể, gạo ST 25 giá 28.000 đồng/kg, Tám Thái 21.000 đồng/kg, Tám Điện Biên 20.000 đồng/kg, Bắc thơm 19.000 đồng/kg, Hương Lài 18.000 đồng/kg, BC15 và Đài thơm đều ở mức 16.000 đồng/kg, Khang Dân 14.500 đồng/kg…

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Vinafood I (TP Hải Dương), trung bình mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường hơn 300 tấn gạo. Giá gạo tăng mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của công ty. Một số đối tác ở khu vực phía Nam yêu cầu công ty phải mua gạo theo giá tăng theo thị trường thì mới giao hàng. Một số đối tác đã chuyển trả lại tiền hàng đã nhận trước đó và từ chối giao hàng cho công ty. Điều này khiến Công ty CP Vinafood 1 phải nhanh chóng tìm đối tác mới để nhập hàng để kịp giao cho khách theo đúng tiến độ. Việc giao hàng cho một số khách hàng ở những tháng cuối năm đã được ký kết từ thời điểm đầu tháng 6. Khi đó, giá gạo ở mức 11.000-12.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã ở mức 13.000-15.000 đồng/kg nên công ty này phải chấp nhận phát sinh lỗ.

Công ty TNHH Gạo Hưng Huyền ở xã Long Xuyên (Bình Giang) chuyên nhập thóc về để xay xát và bán ra thị trường. Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Thông thường, thị trường gạo duy trì ở mức ổn định, nếu có tăng thì mức tăng chỉ dao động từ 300-400 đồng/kg. Chưa bao giờ giá gạo lại có mức tăng đột biến như hiện nay. Giá gạo tăng kéo giá thóc lên theo. Hiện nay, thóc Bắc thơm có giá 10.400 đồng/kg, tăng 1.700 đồng/kg; BC15 9.800 đồng, tăng 1.600 đồng/kg. Từ đầu tháng 8 đến nay, công ty phải bù lỗ khoảng 100 tấn gạo với tổng số tiền 100 triệu đồng. “Giá gạo trong nước liên tục tăng trong khi chúng tôi vẫn phải tuân thủ giá theo các hợp đồng đã ký kết trước đó nên đã phải bù lỗ. Có lúc phải bù lỗ trong quá trình kinh doanh là điều phải chấp nhận theo quy luật thị trường", bà Huyền cho biết.

Bà Phạm Thị Hải, chủ đại lý kinh doanh gạo ở thị trấn Gia Lộc cho biết, khi giá gạo lên, đại lý cũng buộc phải điều chỉnh tăng giá bán cho người tiêu dùng. Các loại gạo đều tăng giá trong vài tuần gần đây. Một số loại còn thay đổi giá liên tục theo ngày, thậm chí theo giờ. Dự kiến, thời gian tới, thị trường thóc gạo ở Hải Dương tiếp tục có nhiều biến động do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.

Chịu nhiều yếu tố tác động

W_thitruonggao29082023.jpg
Giá nhiều loại gạo đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 8

Giá gạo tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào của những cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gạo. Chị Đỗ Thị Lánh, hộ sản xuất bánh đa Q5 ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) cho biết hiện nay giá thóc Q5 đã tăng từ 8.000 đồng lên 9.000 đồng/kg. Mỗi ngày, cơ sở của chị sử dụng tầm 2 tấn gạo để chế biến bánh đa. Dù chi phí sản xuất đầu vào tăng nhưng chị vẫn cố gắng giữ nguyên giá bán sản phẩm.

Ngày 15.8, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc gạo lên cao bất hợp lý. Các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm.

Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát sản lượng thóc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cho thấy trung bình sản lượng thóc của Hải Dương đạt khoảng 667.000 tấn/năm. Ngoài phục vụ nhu cầu trong tỉnh, sản lượng thóc gạo của Hải Dương còn có thể cung ứng cho thị trường của một số địa phương lân cận. Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nay, việc cung ứng gạo ở Hải Dương vẫn bảo đảm do nguồn cung dồi dào. Nguyên nhân khiến giá gạo ở thị trường Hải Dương tăng do chịu tác động của giá gạo trong nước. Một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã có lệnh cấm xuất khẩu, do đó Việt Nam đẩy mạnh thị trường xuất khẩu gạo. Điều này khiến giá lúa gạo tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Công thương, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hải Dương sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, đồng thời ngăn chặn các hành vi găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

HUYỀN TRANG