Người lao động vui mừng khi tiếp tục được hỗ trợ giảm, giãn việc làm
Nhiều lao động ở Hải Dương rất vui mừng, mong chờ khi biết tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, công nhân bị giảm, giãn việc làm.
Mong sớm thành hiện thực
Chị Lò Thị Sưa, quê ở Lào Cai đến Hải Dương làm việc từ đầu năm nhưng công việc bấp bênh nên chị chuyển hết công ty này đến doanh nghiệp khác. Cách đây 3 tháng, chị chuyển đến làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (TP Hải Dương). Do việc ít, chị được nghỉ thứ bẩy, chiều đi làm về sớm, không phải tăng ca. Thu nhập thấp lại có nhiều thời gian nghỉ nên tiền điện, nước cũng tăng lên. Chị Sưa cho biết: "Về quê bây giờ cũng không có việc làm nên cứ bám trụ ở đây còn có đồng ra đồng vào. Khi biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho những lao động bị giảm, giãn việc làm, tôi mong sớm được nhận khoản tiền này".
Nhiều ngày nay, chị Phan Thị Kim Liên ở xã Kim Anh (Kim Thành) đi làm trong tình trạng bất cứ lúc nào cũng có thể bị nghỉ việc. Chị đang làm tại một công ty may cùng huyện. Khi đều việc, tăng ca và làm cả thứ bẩy, thu nhập của chị cũng được 9-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, công việc bấp bênh, công nhân phải giảm, giãn việc, có ngày sáng làm, chiều nghỉ, thu nhập chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập giảm mạnh, nhiều người đã phải nghỉ việc. Chị Liên chia sẻ: “Tôi đã gần 50 tuổi, đi làm công nhân nhiều năm nhưng giờ công việc bấp bênh, nếu nghỉ làm ở công ty này thì rất khó kiếm việc mới. Vì thế, ngoài việc muốn được các cấp công đoàn hỗ trợ, chúng tôi mong có việc làm ổn định tại nông thôn”.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nam Sách, ngay khi có thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, cán bộ Công đoàn cấp huyện đã tuyên truyền trên nhóm Zalo cho các công đoàn cơ sở. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể từ công đoàn cấp trên nhưng người lao động luôn theo sát thông tin và mong ngóng hằng ngày. Nhiều công nhân nhắn tin thường xuyên hỏi xem làm thủ tục thế nào để được nhận hỗ trợ. “Chúng tôi rất mong các điều kiện để công nhân được hưởng nguồn hỗ trợ đơn giản hơn và sớm triển khai”, bà Lan nói.
Tích cực rà soát, không bỏ sót
Ngày 25/8, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định 7785/QĐ-TLĐ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người động theo Nghị quyết 06. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/4 đến 31/12/2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2024. Mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ 1-3 triệu đồng.
Cụ thể, đối với lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 1 triệu đồng/người, người lao động không phải đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 700.000 đồng/người. Đối với trường hợp bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đoàn viên được hỗ trợ 2 triệu đồng/người, người lao động được hỗ trợ 1,4 triệu đồng/người.
Trong trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 3 triệu đồng/người, người lao động được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.
Đoàn viên công đoàn, người lao động được xem xét, hỗ trợ phải đang làm việc theo hợp đồng lao động tại thời điểm đề nghị hỗ trợ, có tên trong danh sách trả lương tại doanh nghiệp trước thời điểm bắt đầu bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đề nghị hỗ trợ ít nhất từ 30 ngày trở lên.
Người nào không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải có tên trong danh sách trả lương tại doanh nghiệp trước thời điểm bắt đầu bị chấm dứt hợp đồng lao động đề nghị hỗ trợ ít nhất từ 90 ngày trở lên.
Theo ông Phạm Đình Họa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Lai Vu, Kim Thành), số lượng công nhân, người lao động ở doanh nghiệp giảm đáng kể so với năm trước nhưng không phải ai cũng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 06. Nguyên nhân do điều kiện rất khắt khe, nhất là quy định về thời gian bị giảm, giãn việc làm. Thường thì lao động nghỉ nơi này sẽ tìm đến nơi khác làm việc ngay hoặc chỉ nghỉ vài ngày lại đi làm. “Chúng tôi mong công đoàn cấp trên hướng dẫn cụ thể và nới lỏng quy định để nhiều công nhân được nhận hỗ trợ hơn”, ông Họa nói.
Trước đó, đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ nhằm dành nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ một lần cho đoàn viên bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Tại Hải Dương đã có 165 lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí 165 triệu đồng vào tháng 5/2023.
Những gói hỗ trợ từ tổ chức công đoàn đã động viên kịp thời, tiếp thêm động lực cho người lao động trong lúc khó khăn. Để đợt hỗ trợ này được triển khai hiệu quả, công đoàn cấp trên trực tiếp cần tích cực tuyên truyền chế độ, chính sách này tới công đoàn cơ sở, rà soát lao động đủ điều kiện được hỗ trợ, không bỏ sót.