Y tế - Sức khỏe

Gia tăng trẻ mắc sốt xuất huyết, các dấu hiệu nặng cần chú ý ở trẻ mắc bệnh

Theo TTXVN 27/08/2023 - 13:13

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ mắc số xuất huyết gia tăng nhanh; nhiều bệnh nhi đang điều trị tại đây đã trong tình trạng nặng.

Chú thích ảnh
Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện khi đã diến biến nặng

Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận số trẻ mắc số xuất huyết gia tăng nhanh; nhiều bệnh nhi đang điều trị tại đây đã trong tình trạng nặng.

Đang điều trị tại khoa Nội tổng quát- Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi T.H.H đã qua được giai đoạn nguy hiểm nhưng vẫn còn mệt, nằm ngủ li bì. Trước đó, bệnh nhi khởi phát sốt cao đột ngột, lại có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nên đã được gia đình đưa tới khám tại bệnh viện gần nhà. Bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh của trẻ đã diễn biến nặng nên được lập tức chuyển tới bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi, điều trị.

Mẹ bệnh nhi cho biết: “Con tôi sốt khoảng 3 hôm thì cắt sốt và bắt đầu phát ban, sau đó cháu kêu hơi tức ở bụng nên tôi cho cháu đi siêu âm, xét nghiệm máu thì bác sĩ cho biết tiểu cầu của cháu bị hạ thấp và ổ bụng có dịch, được chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Tôi không nghĩ bệnh lại trở nặng nhanh như vậy”.

Tại đây nhiều trẻ cũng đang điều trị sốt xuất huyết, thường bệnh nhi được đưa tới bệnh viện khi đã diễn biến nặng nên phải nhập viện điều trị.

Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, tại Trung tâm đã tiếp nhận 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó nhiều bệnh nhi có dấu hiệu cảnh báo nặng. Rất may các trường hợp này đều được điều trị kịp thời nên hiệu quả sau điều trị cao, các bệnh nhi đều hồi phục tốt, chưa có trường hợp nào tử vong.

Ths.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó trưởng khoa Nội tổng quát- Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết có thể được phát hiện ngay trong ngày đầu tiên mắc bệnh khi trẻ mới có biểu hiện của sốt mà chưa có các tình trạng dấu hiệu cảnh báo, các bác sĩ sẽ hướng dẫn để trẻ có thể được theo dõi tại nhà. Trong khi theo dõi trẻ tại nhà, cha mẹ cần chú ý, giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 mắc bệnh là giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cần theo dõi sát trẻ”.

Theo BS. Đỗ Thị Thúy Nga, khi thấy trẻ mắc sốt xuất huyết có các biểu hiện như: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiểu ít nhất là sau 6-8 tiếng không thấy trẻ đi tiểu, nhất là có các biểu hiện chảy máu nặng như: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa cần khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết

Chú ý giai đoạn nguy hiểm của bệnh

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em mắc sốt xuất huyết có các dấu hiệu khá đa dạng, khác nhau. Bệnh thường khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường bị sốt cao đột ngột, liên tục. Với trẻ còn nhỏ, thường có các biểu hiện: Bứt rứt, quấy khóc; trẻ lớn hơn có thể kêu đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát có thể thấy những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Sau giai đoạn sốt, cha mẹ cần hết sức chú ý trẻ vì là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Ở giai đoạn này, trẻ có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ có thể bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.

Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48 - 72 giờ, là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Sốt xuất huyết dễ biến chứng nguy hiểm, vì vậy, khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu cảnh báo sau, cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế để theo dõi, xử trí:

- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan.

- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/giờ, hoặc trên 4 lần/giờ.

- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh.

- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ)

- Trẻ đi tiểu ít, đi ngoài phân đen.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh các biến chứng của sốt xuất huyết, khi chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ cần chú ý: Nếu trẻ sốt trên 38 độ C, cha mẹ có thể hạ nhiệt cho con bằng cách cho trẻ uống thuốc Paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng, uống cách từ 4 – 6 tiếng mỗi lần. Đặc biệt không cho trẻ uống các loại thuốc như: Analgin, Aspirin, Ibuprofen… Trẻ cần được nằm phòng thoáng mát và nới rộng quần áo để hạ bớt thân nhiệt.

Cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước, uống nước hoa quả, Oresol, cho trẻ uống làm nhiều lần trong ngày; đặc biệt không cho trẻ uống cùng lúc quá nhiều nước để tránh cho trẻ không bị chướng bụng, đầy bụng có thể gây đau bụng. Trẻ cần được ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu hóa; không cho trẻ ăn các đồ cứng, nhiều chất xơ. Đặc biệt, không cho trẻ uống các loại đồ uống có ga, có màu nâu, đen để tránh ảnh hưởng, nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh cho trẻ.

Bác sĩ cũng hướng dẫn, giai đoạn hiênh nay, tại miền Bắc đang vào mùa mưa nhiều, các gia đình chú ý đảm bảo vệ sinh khu vực mình sinh sống, các dụng cụ chứa nước cần được làm sạch, đổ bỏ, úp ngược để tránh đọng nước mưa khiến muỗi có thể sinh sôi đẻ trứng. Người dân cần ngủ nằm màn để tránh muỗi đốt, với trẻ nhỏ sinh hoạt ngoài trời cần cho trẻ dùng các chế phẩm xịt chống muỗi để tránh cho trẻ không bị muỗi đốt.

Theo TTXVN