Về bài thơ "Người bán than" được cho là của Trần Khánh Dư
Trần Khánh Dư là một danh tướng nhà Trần, được vua Trần phong tước Nhân Huệ vương, phong chức Phó đô tướng quân.
Ông đóng bản doanh tại Vân Đồn (Quan Lạn, Quảng Ninh hiện nay) để chặn thủy quân Nguyên trong cuộc xâm lăng lần thứ 3, đầu năm 1288. Chiến công lớn nhất của ông là đã đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ ở "Đồn sơn lục thủy dương”. Chính chiến công này ở trên biển đã làm vỡ trận của quân Nguyên ở trên bờ. Vì thế, Trấn Nam vương, Thái tử nhà Nguyên Thoát Hoan cầm đầu cuộc xâm lăng lần này, đã vội vàng cho quân tháo lui vì không có đủ lương ăn. Quân Nguyên rút theo 2 ngả, đường bộ qua Lạng Sơn và đường thủy qua sông Bạch Đằng. Chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng của nhà Trần năm 1288, bắt đầu từ chiến công có ý nghĩa then chốt này của Trần Khánh Dư trên vùng biển Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh. Có lẽ vì thế, trong “Lịch triều hiện chương loại chí ”, Phan Huy Chú xếp Trần Khánh Dư là 1 trong 4 vị tướng có công lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, theo thứ tự: Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
Quê Trần Khánh Dư ở Chí Linh, nơi sông Thái Bình chia nước cho sông Kinh Thày ra biển, hiện nay mang tên tước của ông là xã Nhân Huệ. Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, ông bị tội vì thông dâm với vợ Trần Quốc Nghiễn, con dâu trưởng Trần Quốc Tuấn, chị ruột vua Trần Nhân Tông, bị tuyên án tử hình. Nhưng vua thương tài làm tướng nên không cho giết. Ông bị vua Trần tước hết tước hiệu, tịch thu hết gia sản, phải về sống tại đất được phong của cha, là xã Nhân Huệ bây giờ, làm nghề bán than cho các thuyền bè cập vào bến này.
Do có những “ẩn ức” như thế, nhiều người thương ông. Từ đầu thời Nguyễn đã có bài thơ “Người bán than”, thể thất ngôn bát cú luật đường với những đặc trưng nghệ thuật Nguyễn 100%, người ta gán cho Trần Khánh Dư. Nhiều người ở Hải Dương và Quảng Ninh đến nay vẫn cho đây là sáng tác của ông lúc sinh thời. Nhưng theo tôi thấy, đây không phải thơ thời Trần mà là thơ thời Nguyễn, rồi gán cho ông, nhưng là thơ của ai, viết vào thời gian nào thì không biết rõ.
Người giúp chúng ta ngày nay trả lời chính xác câu hỏi này là nhà văn lớn của Hải Dương, nhà văn Phạm Đình Hổ (1768 – 1839). Ông cùng với Nguyễn Án (1770 – 1815) có tập ký chung là “Tang thương ngẫu lục”. Sách này gồm 90 bài, hai ông viết riêng nhưng gộp thành một tập chung, hơi văn vẫn rất gần gũi, thống nhất. Theo bài khảo cứu rất công phu của học giả Đào Duy Anh in ở đầu sách thì tập này là ký sự, ghi những việc thật, người thật, những điều mắt thấy tai nghe, không hư cấu, được Phạm Đình Hổ khởi thảo từ cuối Lê (khoảng năm 1786) và kết thúc trước khi Phạm Đình Hổ qua đời (1839), như vậy, tập ký được viết và hoàn thành từ đời Gia Long đến đời Minh Mạng nhà Nguyễn (1802 – 1840).
Tập sách này do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 5.1972. Từ trang 153 - 156 là bài “Người bán than”, ghi rõ tác giả là ông Nguyễn, làm nghề bán than và viết bài thơ này bằng chữ quốc ngữ. Ông Nguyễn ở ẩn, không chịu ra làm quan, không có quan hệ gần gũi với ai, cũng không tiết lộ với ai về bất cứ điều gì của cá nhân mình. Ông Hoàng nghe bài “Người bán than” của ông Nguyễn, rất khen, tặng thưởng cho ông 5 quan tiền, nhưng ông không nhận, liền quảy gánh than vội vàng đi ngay. Sách không ghi ông Hoàng và ông Nguyễn gặp nhau ở đâu, nhưng theo khí hậu của bài viết thì ta nhận ra là ở Hải Dương. Bài thơ nguyên văn như sau: "Một gánh kiền khôn quẩy xuống ngàn/ Hỏi chi bán đấy, gửi rằng than/ Chuốc mua miễn được đồng tiền tốt/ Hơn thiệt nài chi gốc củi tàn/ Ở với lửa hương cho vẹn kiếp/ Thử xem sắt đá có bền gan/ Giận vì nhem nhuốc mong nghề khác/ Song lệ trời kia lắm kẻ hàn”.
Theo ông Trương Chính, một nhà biên khảo nổi tiếng, chú thích trong tập sách thì bài thơ này, trước kia có người cho là của Trần Khánh Dư. “Xét ra, các tác giả sách này (Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án) nói có ngành ngọn rạch ròi”. Nên ông cho là đúng và không nói thêm. Vậy đã rõ là thơ thời Nguyễn, do ông Nguyễn sáng tác bằng chữ quốc ngữ, không phải là thơ thời Trần của Trần Khánh Dư viết bằng chữ Nôm ở thời Trần. Sự xác minh khoa học này là rất quan trọng để chúng ta đánh giá bài thơ một cách chính xác. Theo tôi, bài thơ này chỉ có 2 câu luận: “Ở với lửa hương cho vẹn kiếp/ Thử xem sắt đá có bền gan” là có phong vị, phảng phất cái khí khái của ngày xưa, có vẻ gần với hoàn cảnh riêng của Trần Khánh Dư, lại được gán cho Trần Khánh Dư, một danh tướng lớn, có công rất lớn mà suốt đời không được phong thưởng thêm, sau mọi chiến công – vì tiền án tử hình nên nó càng được cảm thông và truyền tụng, chỉ có vậy thôi. Cũng vì thế, ông không được lập đền thờ. Ở Quan Lạn từ xưa chỉ có cái nghè tưởng nhớ ông mà thôi. Đền thờ ông mới được lập gần đây.