Việt Nam nỗ lực triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn
Nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước CAT, Việt Nam đã không ngừng cố gắng, nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước.
Ngày 28/11/2014, tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn (Công ước CAT). Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 5/2/2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 7/3/2015.
Dự kiến, vào tháng 9/2023, dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực thi công ước chống tra tấn sẽ được xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước CAT, Việt Nam đã không ngừng cố gắng, nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các cơ quan Nhà nước của Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng loạt quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn cũng như đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cao hơn cho lực lượng thực thi pháp luật. Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa.
Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn đó là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung. Theo đó, Việt Nam đã ban hành 09 văn bản triển khai trong lĩnh vực này, đáng chú ý như: Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ theo lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015; Quyết định về quy trình thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015 của lực lượng CAND; Kế hoạch về chương trình bồi dưỡng kỹ năng, tác phong, thái độ cho cán bộ hỏi cung, lấy lời khai khi thực hiện nhiệm vụ có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Về thi hành tạm giữ, tạm giam, Việt Nam đã ban hành 08 văn bản triển khai thi hành, điển hình là: Thông tư quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm và quan hệ phối hợp khi thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong CAND.
Việt Nam đã xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi. Mô hình “Phòng điều tra thân thiện” được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ.
Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết: "Đến nay, Việt Nam đã thiết lập 33 phòng điều tra thân thiện tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an 30 địa phương."
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện hàng nghìn lớp giáo dục pháp luật, lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ, lớp dạy nghề, lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV, AIDS cho hàng chục nghìn lượt phạm nhân hàng năm.
Cũng theo Đại tá Trần Nguyên Quân: "Riêng trong năm 2022, Việt Nam đã tổ chức 2255 lớp giáo dục pháp luật cho 713.856 lượt phạm nhân; 153 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 3688 lượt phạm nhân, cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho 685 lượt phạm nhân; 237 lớp dạy nghề cho 7539 lượt phạm nhân; 660 lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho 142.147 lượt phạm nhân".
Chế độ chính sách cho phạm nhân
Các trại giam thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân bảo đảm đúng quy định của pháp luật; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật.
Về chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh của phạm nhân, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt nhằm bảo đảm sức khỏe trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại định lượng ăn trong tháng có thể được tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn. Phạm nhân là người chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như phạm nhân là người thành niên và được ăn thêm. Phạm nhân được ở theo buồng tập thể. Chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là 02m2, có bệ gạch men, ván sàn hoặc giường. Đối với phạm nhân có con nhỏ ở cùng hoặc phạm nhân là người chưa thành niên được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03m2. Hằng năm, phạm nhân được cấp phát quần áo, chăn, màn và các đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt bảo đảm phù hợp với thời tiết, địa lý của từng địa phương. Phạm nhân tham gia lao động được cấp phát quần áo bảo hộ và những phương tiện bảo hộ lao động cần thiết.
Về chế độ chăm sóc y tế, trong quá trình chấp hành án phạt tù, phạm nhân được khám bệnh định kỳ, trường hợp bị bệnh nặng hoặc bị thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh để điều trị, trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo, đồng thời phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân đó biết để phối hợp, chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ phạm nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các trại giam thuộc Bộ Công an đã khám, phát thuốc thông thường cho hơn 3.200.000 lượt phạm nhân; điều trị tại bệnh xá hơn 43.300 lượt phạm nhân; khám, điều trị tại bệnh viện 1.900 lượt phạm nhân, trại viên, học sinh. Tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống các loại dịch bệnh đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, phòng, chống dịch bệnh theo mùa.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, với sự hỗ trợ ban đầu của UNDP Việt Nam, ngày 14/2/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Trên cơ sở bám sát các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, Kế hoạch này đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị bằng các hoạt động cụ thể.