Hạt Maui, Hawaii khởi kiện về vụ hỏa hoạn tàn phá thị trấn Lahaina
Hạt Maui đã khởi kiện Công ty Điện lực Hawaii về vụ hỏa hoạn tàn phá thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina, nói rằng công ty tiện ích này đã sơ suất không cắt điện bất chấp gió lớn và thời tiết khô hanh, dẫn đến thảm họa cháy rừng khủng khiếp.
Chính quyền hạt Maui của Hawaii ngày 24.8 đã đệ đơn khởi kiện Công ty Điện lực Hawaii (Hawaiian Electric), cho rằng nếu công ty này kịp thời ngắt điện trong thời điểm gió giật mạnh được dự báo trước thì sự tàn phá với Lahaina có thể tránh được. Vụ hỏa hoạn ngày 8.8 đã khiến ít nhất 115 người thiệt mạng và khiến nhiều người khác mất tích.
Lời kể của nhân chứng và video chỉ ra rằng tia lửa từ đường dây điện đã gây ra hỏa hoạn khi các cột điện bị gãy do một cơn bão quét qua.
Đơn kiện cho biết nếu cơ quan dịch vụ tiện ích này chú ý đến “các cảnh báo và ngắt điện đường dây điện trong thời điểm gió giật mạnh được dự báo trước thì sự tàn phá này có thể tránh được”. Vụ kiện cũng cho biết công ty điện lực Hawaii có nhiệm vụ "bảo trì và sửa chữa đúng cách các đường dây truyền tải điện cũng như các thiết bị khác bao gồm các cột điện liên quan đến việc truyền tải điện, đồng thời đảm bảo thảm thực vật được cắt tỉa và xử lý đúng cách để tránh tiếp xúc với đường dây điện trên cao và các thiết bị điện khác".
Đơn kiện cũng cho rằng, công ty điện lực Hawaii biết rằng gió lớn “sẽ làm đổ cột điện, làm đứt đường dây điện và đốt cháy thảm thực vật”. "Bị đơn cũng biết rằng nếu thiết bị điện trên cao của họ gây ra hỏa hoạn, nó sẽ lan rộng với tốc độ cực kỳ nhanh chóng.”
Cắt điện an toàn công cộng
Đơn kiện lưu ý rằng các công ty điện khác, chẳng hạn như Southern California Edison, Pacific Gas & Electric, hay San Diego Gas & Electric, đều đã thực hiện chế độ "Ngắt điện Đảm bảo An toàn Công cộng" khi có gió lớn và cho biết "những tổn thất nghiêm trọng và thảm khốc có thể dễ dàng xảy ra sẽ bị ngăn chặn" nếu Hawaiian Electric có kế hoạch ngừng hoạt động tương tự.
Quận Maui cho biết họ đang yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản công và tài nguyên ở Lahaina cũng như thị trấn Kula gần đó.
Gần đây, các công ty điện khác cũng được cho là phải chịu trách nhiệm về các vụ hỏa hoạn tàn khốc. Hồi tháng 6, một bồi thẩm đoàn ở Oregon đã kết luận công ty điện lực PacifiCorp chịu trách nhiệm gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng vào cuối tuần Ngày lễ Lao động năm 2020, yêu cầu công ty phải trả hàng chục triệu USD cho 17 chủ nhà nguyên đơn, và thừa nhận công ty này phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại lớn hơn có thể đẩy tổng giá trị bồi thường lên tới hàng tỷ USD.
Công ty Pacific Gas & Electric tuyên bố phá sản và nhận 84 tội ngộ sát sau khi thiết bị bị bỏ quên của họ gây ra vụ hỏa hoạn ở chân đồi Sierra Nevada vào năm 2018, phá hủy gần 19.000 ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và các tòa nhà khác, đồng thời gần như san bằng thị trấn Paradise, California.
Do thời tiết khô nóng, cháy rừng đã bất ngờ bùng phát tại đảo Maui ở Hawaii hôm 8.8. Theo báo cáo mới nhất, thảm họa cháy rừng ở Hawaii khiến ít nhất 115 người thiệt mạng, nhưng còn ít nhất 1.100 người vẫn mất tích. Đây cũng là thảm họa cháy rừng cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong 1 thế kỷ qua tại Mỹ. Thị trấn du lịch Lahaina - nơi có 12.000 người sinh sống - gần như bị xóa sổ trên bản đồ.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thiết lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận các cuộc gọi thông báo về người mất tích từ người thân, cũng như tìm kiếm gia đình các nạn nhân để hỗ trợ công tác xác định danh tính những thi thể được tìm thấy. FBI ước tính khoảng 1.100 người vẫn mất tích và con số có thể còn tăng. Cơ quan này kêu gọi người dân hỗ trợ để có thể xác định con số chính xác.
Cảnh sát trưởng Maui, ông John Pelletier, cho biết nhà chức trách đang sàng lọc dữ liệu và hy vọng có thể công bố danh sách những người mất tích trong vài ngày tới.
Theo ước tính của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, thiệt hại về kinh tế trong thảm họa cháy rừng này có thể dao động từ 4 tỷ đến 6 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn thiệt hại (ít nhất 75%) được bảo hiểm.