Hàng viện trợ ùn ứ ở biên giới Niger sau các lệnh trừng phạt
Hàng hóa ùn ứ là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt do khối Cộng đồng các nền kinh tế Tây Phi (ECOWAS) áp đặt đối với Niger sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 26.7.
Cửa khẩu biên giới Malanville ở phía bắc Benin là một trong những cửa khẩu sầm uất nhất ở Tây Phi. Xe tải chở thực phẩm, hàng viện trợ nhân đạo và vật liệu sử dụng trong ngành công nghiệp thường đi qua đây để vào Niger - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, gần 1 tháng trở lại đây, cửa khẩu này luôn ở trong trạng thái ùn ứ. (xem video dưới - nguồn: Reuters):
Hàng nghìn xe tải xếp hàng trải dài 25 km từ bờ sông Niger - điểm đánh dấu biên giới giữa hai nước. Những người lái xe mắc kẹt tại khu vực này đã phải sinh hoạt ở đây trong nhiều tuần. Nhiều nhóm người phải chất hàng lên thuyền gỗ để vượt sông, đưa hàng vào quốc gia Tây Phi bên kia.
Hàng hóa ùn ứ là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt do khối Cộng đồng các nền kinh tế Tây Phi (ECOWAS) áp đặt đối với Niger sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 26.7.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm gây sức ép buộc chính quyền quân sự phải khôi phục chức vụ cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum. Trước các lệnh trừng phạt, không có hàng hóa từ bên ngoài lưu thông, giá thực phẩm tại Niger đã tăng cao trong mùa đói kém. Các ngành sản xuất công nghiệp cũng bị gián đoạn và nguồn cung y tế, hàng viện trợ, cứu trợ đang gặp tình trạng thiếu thốn trầm trọng.
Soulemane, một tài xế xe tải người Niger đã mắc kẹt ở biên giới với các lô đường và dầu ăn trong hơn 20 ngày, chia sẻ: “Chúng tôi không biết liệu mình có bị bắt làm con tin hay không. Không có thức ăn, không có nước uống, không có nơi nào để ngủ”.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt đã hiệu quả trong gây sức ép với chính quyền quân sự. Hàng nghìn người Niger đã xuống đường ủng hộ cuộc đảo chính vào ngày 20/8 và phản đối các kế hoạch can thiệp của ECOWAS. Mối bất hòa giữa ECOWAS và chính quyền quân sự mới ở Niger vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Khối này đã đe dọa can thiệp quân sự nếu các cuộc đàm phán và các nỗ lực khác nhằm gây áp lực lên chính quyền thất bại.
Người phát ngôn khu vực Djaounsede Madjiangar cho biết khoảng 6.000 tấn hàng hóa từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đang bị kẹt bên ngoài Niger, bao gồm ngũ cốc, dầu ăn và thực phẩm dành cho trẻ em suy dinh dưỡng.
Mặc dù lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại Niamey nhưng giá đã tăng vọt. WFP cho biết kể từ khi lệnh trừng phạt được công bố, giá gạo đã tăng 21%, trong khi hạt bo bo tăng 14%.
Khoảng 3 triệu người đang phải chật vật kiếm tiền mua một bữa ăn mỗi ngày. WFP cho biết cuộc khủng hoảng có thể đẩy thêm 7 triệu người vào tình trạng tương tự.
“Chúng ta có thể có 10 triệu người rơi vào cảnh không thể tự nuôi sống mình. Nhu cầu nhân đạo đang gia tăng”, người phát ngôn Madjiangar dự báo.
WFP và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết họ vẫn chưa phải cắt giảm hoạt động ở Niger nhưng cảnh báo thời gian không còn nhiều. Nếu như các hoạt động gián đoạn, nó có thể gây ra những hậu quả tàn khốc ở Niger - nơi có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất thế giới.
Các container của UNICEF mang theo thiết bị dây chuyền trữ lạnh và vaccine hiện bị mắc kẹt ở biên giới và cảng Cotonou của Bénin. Trước một tương lai không biết bao giờ mới lưu thông hàng hóa, các tổ chức lo ngại vaccine sẽ hết hạn. Lô vaccine này bao gồm các liều vaccine chống rotavirus, một loại virus gây chết người ở trẻ em.
Ngày 23.8, Văn phòng Điều phối Vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) kêu gọi khẩn cấp dỡ bỏ các hạn chế trên bộ và trên không ở Niger để cho phép cung cấp viện trợ mà người dân đang rất cần.
Thông báo của OCHA nêu rõ: “Một lượng lớn thuốc men và thiết bị y tế khẩn cấp, thực phẩm dinh dưỡng, đồ ăn dự trữ đang mắc kẹt tại các nước láng giềng của Niger và việc đóng cửa không phận ảnh hưởng đến các hoạt động trong và quanh Niger. Cần khẩn cấp miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt trên không và trên bộ cho các hoạt động nhân đạo”.
Các biện pháp trừng phạt không chỉ đe dọa nguồn cung cấp lương thực và viện trợ của Niger. Tướng Abdourahmane Tiani cho biết Nigeria đã cắt nguồn cung điện, gây nguy hiểm cho việc chăm sóc y tế tại các bệnh viện.
Các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn cũng bị ảnh hưởng. Việc đóng băng các dòng tài chính trong khu vực đã khiến việc xây dựng dự án đập của Trung Quốc nhằm tăng cường an ninh lương thực bị đình trệ.