Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đáp xuống Mặt Trăng - thời khắc Ấn Độ đi vào lịch sử
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện hạ cánh tàu vũ trụ không người lái xuống cực nam Mặt Trăng, nơi con người chưa từng đặt chân tới.
Tàu vũ trụ không người lái Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt Trăng lúc 19 giờ 34 ngày 23.8 (giờ Hà Nội) sau hành trình kéo dài 41 ngày. Sứ mệnh này được coi là bước tiến lớn với chương trình thám hiểm Mặt Trăng không chỉ của Ấn Độ mà cả nhân loại.
Cùng với việc Chandrayaan-3 hạ cánh xuống Mặt Trăng, Ấn Độ cũng trở thành cường quốc không gian bên cạnh Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Theo Reuters, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã theo dõi trực tiếp quá trình hạ cánh của Chandrayaan-3 dù ông đang tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi.
"Khoảnh khắc này thật khó quên. Thật phi thường. Đây là chiến thắng vang danh của đất nước Ấn Độ mới", Thủ tướng Modi nói sau cú hạ cánh lịch sử của Chandrayaan-3.
Từ trạm điều khiển mặt đất, các nhà khoa học cũng như quan chức thuộc Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đều đứng dậy ăn mừng cho dấu mốc lịch sử này. Hơn một tỷ người Ấn Độ cũng đổ ra đường ăn mừng, đốt pháo và nhảy múa.
Ông S. Somanath - Giám đốc ISRO phát biểu sau cú hạ cánh của Chandrayaan-3 rằng: “Người Ấn Độ đã đến trên mặt trăng”. Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô.
ISRO đã chia sẻ những bức ảnh từ do Chandrayaan-3 chụp bề mặt của Mặt Trăng cũng như khu vực xung quanh tàu vũ trụ này.
Theo các chuyên gia hàng không, vũ trụ địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh ở cực nam Mặt Trăng là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng việc thăm dò và tìm kiếm bang ở khu vực có thể cung cấp tiền đề cho các sứ mệnh Mặt Trăng sau này của con người trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi điện chúc mừng Ấn Độ trong thông điệp gửi ông Modi đăng trên trang website của Điện Kremlin.
“Đây là bước tiến lớn trong việc khám phá không gian, nó minh chứng cho những tiến bộ ấn tượng mà Ấn Độ đạt được trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”, ông Putin nhấn mạnh.
Giám đốc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA Bill Nelson cũng gửi lời chúc mừng ISRO sau khi Chandrayaan-3 hạ cánh.
“Xin chúc mừng Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công tàu vũ trụ trên Mặt trăng" ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter. "Chúng tôi rất vui được trở thành đối tác của bạn trong nhiệm vụ này!"
Chandrayaan-3 được lên kế hoạch phóng thành công vào ngày 14.7.2023. Đây là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ nhằm đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng và diễn ra chưa đầy một tuần sau khi sứ mệnh Luna-25 của Nga thất bại. Người dân Ấn Độ đều chăm chú nhìn vào màn hình tivi và cầu nguyện cho Chandrayaan-3 khi tàu vũ trụ này chuẩn bị hạ cánh.
Gần 7 triệu người đã xem buổi phát trực tiếp hạ cánh của Chandrayaan-3 trên YouTube.
Chandrayaan có nghĩa là "phương tiện mặt trăng" trong tiếng Hindi và tiếng Phạn.
Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của ISRO triển khai thành công tàu vũ trụ này đến quỹ đạo Mặt Trăng nhưng hạ cánh không thành công.
Chandrayaan-3 dự kiến sẽ hoạt động trong hai tuần trên Mặt Trăng, thực hiện loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng.
Tàu Chandrayaan-3 được trang bị hai thiết bị, gồm Máy quang phổ phân hủy cảm ứng bằng laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS), sẽ thực hiện 2 thí nghiệm quan trọng.
Mục tiêu của LIBS là phân tích nguyên tố định tính và định lượng, đồng thời xác định thành phần hóa học và khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng. Trong khi, APXS sẽ xác định thành phần nguyên tố của đất và đá trên Mặt Trăng xung quanh địa điểm hạ cánh.
ISRO cho biết, việc triển khai tàu thám hiểm Chandrayaan-3 để thực hiện các thí nghiệm khoa học tại chỗ sẽ thiết lập tiêu chuẩn mới cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng. Đây được coi là cơ hội đầu tiên để khám phá khả năng tồn tại nước, yếu tố quan trọng trong các sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng trong tương lai.
Cũng theo ông Somanath sự kiện Chandrayaan-3 đổ bộ thành công mang đến cho Ấn Độ sự tin tự về các sứ mệnh không gian tiếp theo đến Sao Hỏa và Sao Kim.
Ấn Độ cũng đang có kế hoạch khởi động một sứ mệnh vào tháng 9.2023 để nghiên cứu Mặt Trời. ISRO tham vọng thực hiện một sứ mệnh đưa người vào không gian vào năm 2024, và kế hoạch này đang diễn ra.
Theo ước tính sứ mệnh Chandrayaan-3 tiêu tốn của Ấn Độ khoảng 74 triệu USD, ngân sách này chỉ bằng kinh phí sản xuất một số bộ phim không gian của Hollywood (Mỹ).