Bao giờ tăng lương cho công nhân?
Tăng lương tối thiểu vùng chỉ giúp cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần...
Thông qua khảo sát hơn 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố khác nhau của cả nước, trong đó có Hải Dương, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã công bố thông tin 24% số lao động có thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản và 75,5% số lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cơ bản hằng ngày.
Điều này cũng giải thích vì sao những tháng gần đây tại Hải Dương không ít công nhân phải dành thời gian đi làm thêm buổi tối, bán hàng online. Nhiều lao động phải ở dồn, ở ghép trong các nhà trọ vốn bé nhỏ lại càng thêm ngột ngạt.
Điều người lao động mong muốn lúc này là được tăng lương tối thiểu vùng để bảo đảm mức sống. Phiên họp đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua nhằm đáp ứng mong mỏi này của họ. Nhưng tại phiên họp này đã có nhiều ý kiến trái chiều và Hội đồng Tiền lương quốc gia buộc phải hoãn thời gian bàn thảo tăng lương tối thiểu vùng vào cuối năm nay.
Vì sao lại vậy? Đời sống công nhân gặp khó khăn, nếu được tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp họ cải thiện phần nào cuộc sống nhưng thực tế tăng lương tối thiểu vùng thời điểm này sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Đại dịch Covid-19 cùng với những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải co kéo để giữ việc cho lao động. Nếu phải tăng lương tối thiểu vùng, chi phí cho người lao động, nhất là tiền đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể.
Lợi bất cập hại, tăng được vài đồng lương tối thiểu thì người lao động sẽ phải đối diện với nguy cơ bị doanh nghiệp tìm cách cắt giảm các khoản thu nhập khác ngoài lương, thậm chí có thể mất việc.
Làm sao để việc tăng lương tối thiểu vùng có ý nghĩa? Trước hết phải căn cứ vào “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế. Người lao động mong muốn cuộc sống được tốt lên thông qua tăng lương nhưng nếu cứ lương tăng rồi giá cả lại "hành quân" theo, thậm chí tăng gấp 2-3 lần thì cũng vô nghĩa.
Kết quả rà soát tình hình sử dụng lao động tại hơn 700 doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương 6 tháng qua cho thấy có tới gần 3.000 lao động phải thôi việc, nghỉ việc; hơn 1.000 lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Con số này sẽ tăng lên nếu doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn phải tăng lương tối thiểu. Vì vậy, điều quan trọng lúc này, để tăng thu nhập, giữ việc làm thì người lao động phải đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp, cùng họ vượt khó để có cuộc sống tốt hơn trong tương lai, tạm thời chấp nhận chậm tăng lương tối thiểu vùng.
Không doanh nghiệp nào muốn công nhân có thu nhập thấp, không đủ sống. Ngược lại không người lao động nào muốn doanh nghiệp phải phá sản. Việc tăng lương tối thiểu vùng cần hài hòa, phù hợp. Hội đồng Tiền lương quốc gia có thể xem xét hạ thấp xuống mức từ 4-5% và kéo dài thời điểm tăng lương tối thiểu vào giữa năm 2024 thay vì 6% và tăng ngay đầu năm sau như đề xuất.
Tăng lương tối thiểu vùng chỉ giúp cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần... Khi làm tốt những vấn đề này thì dù mức tăng thấp cũng vẫn có ý nghĩa với người lao động và không làm khó doanh nghiệp.