Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông sửa đổi
Tin tức - Ngày đăng : 12:14, 24/08/2023
Quang cảnh phiên họp
Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, sáng 24.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết về điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây (quy định tại Điều 1, 28 và 29), có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết, bởi trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống.
Các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.
Bên cạnh đó, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Một số quốc gia đã có quy định nhằm quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây với các mức độ khác nhau. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đồng thời, dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ mới và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý rõ ràng hơn thuật ngữ tại các khoản 10, 11 và 13 Điều 3, đồng thời bố cục riêng Mục 3 Chương II gồm Điều 28 và Điều 29 quy định về vấn đề này.
Về Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định Quỹ trong Luật vì hiện nay đã phủ sóng tất cả vùng sâu, vùng xa; hoạt động chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc, bất cập. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định về Quỹ cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.
Liên quan đến nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với loại ý kiến thứ hai, bởi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số."
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu
Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.
Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông có tính đặc thù, số doanh nghiệp tham gia không nhiều do hạn chế về tài nguyên viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông thường chọn các địa bàn kinh doanh có lợi nhuận mà không triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Theo công bố của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), có 91 nước duy trì Quỹ để thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Tùy thuộc vào mỗi nước, Quỹ được sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà chi phí đầu tư cao, không đem lại lợi nhuận; hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, điện thoại cố định, điện thoại di động cho trường học, bệnh viện, người có thu nhập thấp...
Ông Lê Quang Huy cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại Chương III - Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, theo hướng luật hóa một số quy định của văn bản dưới luật; bổ sung nội dung quy định về hình thức hỗ trợ; phương thức bao gồm đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ (khoản 4 Điều 30); bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định một số nội dung (khoản 1 Điều 31); bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc báo cáo Quốc hội (khoản 2 Điều 31)...
Về vấn đề chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 13, 47 và 67), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp bắt buộc phải cam kết dùng chung và chia sẻ hạ tầng; bổ sung nội dung Nhà nước quy định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ chế giá thuê hạ tầng dùng chung.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung điểm b khoản 4 Điều 13 về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; bổ sung quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá tại khoản 5 Điều 47; bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông tại điểm d khoản 1 Điều 67...
Theo TTXVN