Nga tiết lộ nguyên nhân tàu đổ bộ Mặt trăng gặp nạn
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 06:10, 23/08/2023
Theo đài RT, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, Yury Borisov, ngày 21/8 đã tiết lộ nguyên nhân chính đằng sau sự thất bại của sứ mệnh Mặt trăng Luna-25. Ông Borisov giải thích rằng tàu thăm dò đã không tắt động cơ kịp thời và đi chệch khỏi quỹ đạo dự kiến.
“Thật không may, việc tắt động cơ không diễn ra bình thường, theo sơ đồ trình tự, mà dựa trên dấu thời gian (time stamp), và thay vì 84 giây theo kế hoạch, nó đã diễn ra trong 127 giây", ông Borisov nói với đài truyền hình Rossiya 24.
Yếu tố này là nguyên nhân quan trọng đằng sau sự thất bại của sứ mạng - ông Borisov tuyên bố và cho biết thêm rằng một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để điều tra vụ việc.
“Các tính toán đạn đạo sơ bộ cho thấy do hoạt động bất thường của hệ thống đẩy, thiết bị đã di chuyển vào quỹ đạo mở của Mặt Trăng và về cơ bản, đã đâm vào bề mặt của Mặt Trăng", quan chức lãnh đạo cơ quan vũ trụ Nga cho biết.
Người đứng đầu Roscosmos lưu ý rằng bất chấp thất bại của sứ mệnh, các kỹ sư vũ trụ Nga đã rút được kinh nghiệm quý giá khi chế tạo Luna-25. "Tất nhiên, nhóm sẽ tính đến tất cả những sai lầm mắc phải trong nhiệm vụ này và tôi hy vọng rằng các sứ mạng trong tương lai của Luna-26, 27 và 28 sẽ thành công", ông Borisov tin tưởng.
Luna-25 dự định hạ cánh gần cực nam của Mặt trăng, nơi được biết đến với địa hình hiểm trở. Tất cả các nhiệm vụ đổ bộ lên Mặt trăng trước đây của các quốc gia khác nhau đều hạ cánh xuống vùng xích đạo của thiên thể này.
Trước sự cố, tàu vũ trụ của Nga đã tiếp cận thành công quỹ đạo Mặt Trăng, gửi về những bức ảnh có độ phân giải cao về Mặt Trăng. Sứ mệnh dự kiến sẽ hạ cánh lên Mặt trăng sớm nhất vào ngày 21/8.
Cực nam là nơi được đánh giá có hàm lượng nước lớn ở ở lớp trên của bề mặt Mặt trăng. Đây là sức hút quan trọng của khu vực này khi loài người phải tìm cách khai thác nguồn nước đó để tạo ra hydro làm nhiên liệu, oxy để thở và nước uống được.
Theo kế hoạch ban đầu, nếu Luna-25 hạ cánh thành công, các thí nghiệm sẽ bắt đầu ngay lập tức trong nỗ lực tìm kiếm nước, nhưng kết quả sẽ chỉ có sau 4-6 tháng. Tàu đổ bộ này cũng được dự kiến sẽ trụ lại ở cực nam Mặt Trăng trong một năm hoặc hơn. Địa điểm nó định hạ cánh là ở phía bắc miệng núi lửa Boguslavsky, có đường kính 97 km. Đây là nơi có xác suất cao tìm thấy nước.
Luna-25 là tàu thăm dò đầu tiên mà Nga gửi lên Mặt trăng sau 47 năm, kể từ sứ mạng Luna-24 năm 1976.
Tiếp sau Luna-25, sứ mạng tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ cũng đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ Mặt trăng dự kiến vào ngày 23 hoặc 24.8. Con tàu này mang theo ít dụng cụ khoa học hơn và sẽ chỉ vận hành cho đến khi Mặt Trời lặn sau ngày đầu tiên trên Mặt Trăng (một ngày Mặt Trăng - không kể đêm - bằng hơn 14 ngày đêm trên Trái Đất). Ấn Độ cũng đang cố gắng khắc phục thất bại của Vikram, một tàu đổ bộ được tàu quỹ đạo Chandrayaan-2 mang theo vào năm 2019 và không thể hạ cánh thành công.
Theo Báo Tin tức