Những quốc gia nào cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:00, 22/08/2023
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết kinh nghiệm cho thấy các quốc gia quy định các cơ chế pháp lý rất khác nhau với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Cơ chế pháp lý phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, đặc điểm mỗi quốc gia, tình hình sử dụng thuốc lá và các yêu cầu phòng chống tác hại của thuốc lá của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thực tế xu hướng chung là việc cấm thuốc lá điện tử ngày càng tăng ở các nước.
Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá dẫn thông tin từ tổ chức phi chính phủ của Canada có tên HealthBridge cho biết có 24 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, gồm: Argentina, Brazil, Brunei, Campuchia, Ethiopia, Gambia, Ấn Độ, Iran, Li-bang, Mauritius, Mexico, Oman, Panama, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Suriname, Syria, Thái Lan...
17 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá nung nóng gồm: Panama, Ethiopia, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Na Uy, Brazil, Singa- pore, Malta, Sri Lanka, Brunei, Campuchia, Qatar, Thái Lan, Uganda...
33 quốc gia quản lý chặt thuốc lá điện tử bằng các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá gồm 28 quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Na Uy.
Khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho việc kiểm soát thuốc lá điện tử
Bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết bên cạnh việc những minh chứng cho sự nguy hiểm cho sức khỏe, hiện nay thuốc lá điện tử còn bị biến tướng, cho các chất ma túy, cần sa vào để làm tăng cảm giác "phê" và nghiện" trong khi việc kiểm soát các loại chất trong thuốc lá điện tử rất khó.
Tại Việt Nam, bà Phan Thị Hải cho biết thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới vào nước ta nên chưa được nghiên cứu để đề xuất đưa vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, do thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không được quy định cụ thể trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nên chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành.
Các chuyên gia cho hay, việc "vắng mặt" thuốc lá điện tử hay các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nói chung trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá gây nên một khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho việc kiểm soát.
Tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tại các địa điểm công cộng tại Hà Nội
Theo khuyến nghị của tổ chức HealthBridge, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nicotine - chất gây nghiện, ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và tạo thế hệ những người hút thuốc lá mới.
Việc cho phép sản phẩm này trên thị trường sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng (đặc biệt ở giới trẻ), đồng thời, kìm hãm nỗ lực cai nghiện thuốc lá hoàn toàn của người đang hút thuốc và có nhu cầu bỏ thuốc, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực thực hiện WHO FCTC về phòng chống tác hại thuốc lá.
Trước những tác hại của thuốc lá điện tử, Bộ Y tế đề xuất cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vì đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, cho hay Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu đưa ra bằng chứng báo cáo Chính phủ.
"Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng đưa ra ý kiến đề xuất Quốc hội, kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ xem xét có biện pháp sửa luật Phòng chống tác hại thuốc lá để có điều khoản cụ thể hơn trong Luật và các văn bản dưới luật thực hiện công tác này", ông Khuê cho biết.
Theo Vietnamnet