Lương giáo viên tiểu học gần 200.000 đồng/giờ?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:30, 22/08/2023

Mới đây, một tài khoản trên mạng xã hội chia sẻ cách tính toán "sốc" về mức lương giáo viên, khiến dư luận "dậy sóng".

Bài đăng có nội dung như sau:

"Sốc: Nghề giáo viên có thu nhập/giờ làm không thấp như bạn nghĩ.

Chả là mình làm công ty lương 7,5 triệu đồng/tháng, ngày làm 12 tiếng, tính ra cũng chỉ được vỏn vẹn 20.000 đồng/giờ.

Nay rảnh rỗi ngồi thử tính lương mẹ mình xem thế nào. Mẹ mình là giáo viên tiểu học hơn 20 năm, lương 12 triệu, tháng dạy 18 buổi, mỗi buổi 3,5 tiếng. Làm phép chia đơn giản là ra con số không ngờ tới, gần gấp 10 lần thu nhập/giờ làm của mình. Đấy là chỉ tính dạy nguyên buổi sáng, buổi chiều mẹ phụ đạo lại được cộng thêm 4-5 triệu/tháng nữa. Lương cao thời gian làm ít, lại được cái mác nghề cao quý, thế mà nhiều người cứ chê sư phạm bèo bọt".

Ngay sau khi đăng tải, nội dung trên đã nhận được bão phản ứng từ dư luận.


Nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội

Giáo viên nhận 200.000 đồng/giờ?

Cách đây gần 1 năm - đầu tháng 11.2022, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số thông tin được quan tâm, trong đó, có tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Trong báo cáo này, ông Sơn nêu ra một con số: “Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”.

Tuy nhiên, chia sẻ của nhiều giáo viên với phóng viên cho biết thu nhập của họ "còn lâu mới được như mức báo cáo của bộ trưởng, nói gì đến 200.000 đồng/giờ".

Một giáo viên cho biết: "Tôi dạy học năm nay nữa là 13 năm, lương chỉ mới hơn 6,2 triệu đồng thì 5 năm đầu lương bao nhiêu? Bằng đại học bậc 2.34, trong 1 năm đầu tập sự lương còn 70%, năm sau là 100%, cứ dạy 3 năm tăng 1 bậc (+0.33) = 2.67 (ngày đó lương cơ bản làm gì được như bây giờ). Lương đã ít, trách nhiệm nhiều, áp lực phụ huynh cũng càng ngày càng nhiều".

Cô giáo Thanh Thu nhận định: "Lương tôi bây giờ là 12 triệu đồng nhưng tôi sinh năm 1964 và sắp về hưu. Để đúng nghĩa là giáo viên sống nhờ lương phải là... lúc này - khi con cái đã trưởng thành, nhu cầu ăn uống vui chơi giảm vì sức khỏe".


Ảnh: Thanh Hùng

Không phải người trong ngành nhưng anh Trần Thanh Hiệp cho biết: "Vợ tôi dạy tiếng Anh tiểu học gần 3 năm, lương khoảng 3,5 triệu đồng. Tối, khuya cô ấy vẫn soạn bài, chấm bài, không đủ thời gian ăn ngủ nghỉ ngơi và lo cho 1 đứa con trong khi ban ngày con đã đi trẻ. Bên cạnh đó, họp hành, thi đua, ngoại khóa... vợ đã kiệt sức. Trong khi chúng tôi sống tại TP Bà Rịa Vũng Tàu, lương như vậy không đủ nuôi nổi bản thân...".

Có phải giáo viên chỉ dạy ngày 3,5 tiếng?

Anh Trần Lâm Thảo là giáo viên đã đứng lớp 33 năm. Cũng như cô giáo Thu, anh cho biết vài năm nữa sẽ về hưu. Anh nói: "Thật sự tới bây giờ mới sống được bằng lương vì con cái đã trưởng thành, tuổi bắt đầu lớn, ăn uống chi phí cũng không cần quá nhiều".

"Tuy nhiên, nhìn lại bản thân, giáo viên chúng tôi quá nhiều áp lực của nhiều phía, dạy dỗ đã đành còn phải tham gia đủ thứ phong trào. Hoạt động của thư viện tỉnh cũng đưa học sinh vào để chúng tôi cực khổ tập dượt, bán báo nhi đồng cho Hội đồng Đội gây quỹ, thu tiền bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm... Chưa kể chính chúng tôi cũng phải tham gia công đoàn cụm khối cơ quan, hoạt động chào mừng này kia của uỷ ban địa phương. Thật sự không đủ sức lực mà kham.

Việc giảng dạy, làm hồ sơ, chúng tôi cố gắng nhưng những thứ linh tinh vậy cũng ép buộc giáo viên có quá lắm không? Thành ra "lực bất tòng tâm", giáo viên phải nghỉ việc để tìm kiếm công việc khác nhàn đầu óc hơn dù cực thân hơn".

Anh Bùi Văn Hoàng cũng cho biết: "Bà xã tôi theo nghề cũng 12 năm, lương thưởng là 1, nhưng thời gian làm quá nhiều, luôn đi sớm về khuya, có con nhưng không dạy dỗ được, về nhà lại lo đủ việc cho ngày sau, gia đình không thể quan tâm. Hết lên tiết, sáng kiến, thi nọ thi kia, hội nọ hội kia.

Nói chung thấy bà xã vất vả cũng tội, cô ấy cũng đòi đổi nghề từ lâu. Vợ chồng cũng hay cãi lộn, có nhiều lúc căng quá tưởng phải bỏ nhau vì cô ấy không có thời gian cho gia đình, mình phải làm tất cả việc nhà nên mệt mỏi".

Cùng cảnh "vợ giáo viên" như anh Hoàng, anh Trần Kiên nhận định: "Giáo viên bây giờ lương đã thấp, công việc lại nhiều. Vợ tôi giáo viên tiểu học, trình độ đại học lương chỉ hơn 4 triệu đồng và phải làm cả ngày. Ban đêm, vợ phải làm giáo án điện tử, báo cáo nhận xét điện tử, nhắn tin tương tác với phụ huynh... Thứ bảy, chủ nhật, cô ấy phải đưa học sinh đi thi, tham gia ngoại khóa, hết giờ làm, ở lại tập văn nghệ... Riết không có thời gian lo cho gia đình, con cái.

Tôi chỉ muốn vợ tôi nghỉ dạy ở nhà lo cho gia đình, chứ đi làm thấy công sức, trí tuệ bỏ ra không xứng. Vợ yêu nghề nên chưa chịu bỏ".

Dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%

Tại sự kiện "Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" diễn ra ngày 15.8 vừa qua, ở nhóm nội dung phản ánh về chế độ, chính sách, có nhiều ý kiến mong muốn bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để bảo đảm cuộc sống, đặc biệt là những người đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Một số ý kiến quan tâm đến tiền lương sau khi hoàn thành đào tạo trình độ đại học, xếp lương theo vị trí việc làm...

Các ý kiến cho rằng hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.

Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. “Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học” - ông Sơn chia sẻ.

Thủ tướng đề nghị 2 bộ trưởng gặp khẩn để xem xét phụ cấp cho giáo viên

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Tại hội nghị này, một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

"Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Đề nghị 2 bộ trưởng gặp nhau khẩn trương để xem xét về phụ cấp cho giáo viên" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Theo Vietnamnet