Dấu ấn đình Mạc Xá
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 12:15, 21/08/2023
Đình Mạc Xá được xây dựng ở trung tâm thôn Trạch Xá, thờ Vũ Hồn
Giá trị lịch sử
Theo thần tích, gia phả còn lưu giữ về nhân vật, Vũ Hồn là con trai của Vũ Công Huy, một viên quan nhà Đường, quê ở huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Nhân chuyến đi du ngoạn tại nước ta, ông đến trang Mạn Nhuế, phủ Nam Sách và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đức người địa phương và sinh ra Vũ Hồn vào ngày 8 tháng giêng.
Vốn là người thông minh, chăm chỉ, năm 17 tuổi, Vũ Hồn dự thi tiến sĩ và trúng tuyển vào năm 820, vua Đường Nguyên Hòa phong cho chức Lễ Bộ Thị Lang, sau thăng lên làm An Nam đô hộ phủ. Trong những năm làm quan tại An Nam, ông thường về Mạn Nhuế thăm viếng tổ tiên. Khi về Đường An thấy ở đây có khu đất tốt, ông liền cho cắm đất lập ấp đặt tên là Khả Mộ (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng) và thường xuyên về đây ở. Ngày mùng 3 tháng chạp năm Quý Dậu (853), Vũ Hồn qua đời, con cháu và dân làng an táng tại cánh đồng phía bắc làng, sau gọi là Mả Thần. Nơi Vũ Hồn dạy học được dựng thành nghè, chính là nghè làng Mạc Xá (nay là Trạch Xá). Sau khi ông qua đời, dân làng Mộ Trạch và các vùng phụ cận tôn ông là Thành hoàng, gọi là thần tổ.
Văn bia tại ngôi đình
Vũ Hồn còn được coi là ông tổ dòng họ Vũ ở Việt
Thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, đình Mạc Xá là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi tập kết của đơn vị 126 Bộ đội chủ lực tỉnh Hải Dương để tham gia phản công chiến trường Tả Ngạn. Từ năm 1968 đến 1971, đình là trụ sở của phân hiệu III-Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương sơ tán và làm việc.
Lưu giữ nhiều cổ vật
Khi được khởi dựng (thế kỷ XVIII), đình Mạc Xá được làm theo kiểu chữ Nhị gồm tòa đại bái và hậu cung. Tòa hậu cung chồng diêm 8 mái, cổng có cột đồng trụ, giải vũ hai bên. Sau nhiều lần trùng tu, hiện đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ. Tòa đại bái kiến trúc kiểu giá chiêng, lòng mái mở rộng theo “Thượng tứ hạ ngũ”, các đầu dư chạm khắc rồng cách điệu, thân ẩn trong cột, bức cốn chạm “Tứ linh” hình rồng uốn trong mây tản, rùa ẩn dưới lá sen. Trên cao là hình chim phượng đang từ từ hạ cánh... Những nét chạm khắc mềm mại, sinh động. Đình còn lưu giữ 8 chân tảng hoa sen thời Trần, đó là chân tảng chùa Khánh Lâm được mang về đình trong dịp trùng tu vào năm 1907.
Ngôi đình mang nhiều dấu ấn kiến trúc thời Lê-Nguyễn
Đình Mạc Xá hiện lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, tiêu biểu là tượng Thành hoàng Vũ Hồn được tạc vào đầu thế kỷ XIX, tư thế tượng ngồi trên bệ giật cấp, phong thái ung dung, mặc quần áo triều phục có khắc rồng mã, độc long, diềm áo trang trí sóng nước thủy ba. Đây là một trong những pho tượng Thành hoàng quý còn được thờ tại đình của tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, di tích còn nhiều hiện vật thời Nguyễn khác như cỗ kiệu mui luyện, hệ thống câu đối, đại tự sơn son, bia ký, 6 đạo sắc phong, chuông đồng, sập gỗ… Đó là những di vật đồng hành cùng ngôi đình có giá trị chứng minh tầm vóc của ngôi đình trong lịch sử.
Lễ hội đình Mạc Xá được tổ chức vào ngày sinh Thành hoàng Vũ Hồn mùng 8 tháng giêng hằng năm.
Một trong những sắc phong còn được lưu giữ tại ngôi đình
Dù trải qua nhiều lần tu sửa nhưng về cơ bản đình Mạc Xá vẫn bảo lưu kiến trúc cổ thời Lê-Nguyễn. Đình Mạc Xá được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 19.1.2001 theo quyết định của Bộ Văn hóa-Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo anh Dương Đức Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trạch Xá, đình Mạc Xá được trùng tu, tôn tạo lần gần đây nhất vào năm 2022 với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.
HUYỀN TRANG