Phối hợp tốt, đẩy nhanh tiến độ công việc
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:17, 22/08/2023
Đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương trong cuộc họp với một số sở, ngành khối kinh tế và các địa phương (ảnh tư liệu).
Đó là chỉ đạo của đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương trong cuộc họp mới đây với một số sở, ngành khối kinh tế và các địa phương. Cuộc họp như một phiên chất vấn và trả lời chất vấn với những người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền địa phương. Có thể thấy tinh thần của cuộc làm việc này khá cởi mở, thẳng thắn, hỏi “xoáy” nhưng đáp thì không “xoay” mà đi thẳng vào giải quyết vấn đề.
Tại đây, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thẳng thắn nêu nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực đầu tư công. Ví dụ như thị xã Kinh Môn, hiện không xã, phường nào không có nợ xây dựng cơ bản. Nghịch lý ở chỗ năm nay tỉnh dành tới hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhưng đến giờ vẫn chưa giải ngân được. Nguyên nhân cũng do sự “lệch pha” trong đầu tư công. Có tình trạng địa phương vay để làm công trình trước, chạy cho kịp thời gian về đích nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch, sau đó mới xin cấp kinh phí hoặc trông chờ vào đấu giá đất để trả nợ. Nhưng cách làm này lại khiến các địa phương “xôi hỏng, bỏng không” vì trên không thể cấp vốn khi làm không đúng quy trình; trong khi thị trường bất động sản thì vẫn “ngủ đông” nên không có nguồn trả nợ. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng thị xã Kinh Môn mà một số địa phương khác cũng đang vướng.
Việc thực hiện "Đề án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025" cũng đang gặp khó. Đến nay, tất cả đơn vị công an cấp xã đã xác định được vị trí đất để xây dựng. 43 trong tổng số 235 trụ sở đã hoàn thành đầu tư xây dựng, 22 trụ sở đang thi công, còn lại chưa xây dựng. Việc thực hiện đề án gặp một số khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, sử dụng cơ sở vật chất, nguồn lực. Mặc dù xác định được vị trí xây dựng phù hợp quy hoạch chung của địa phương song có địa điểm chưa được đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Do đó, chưa đủ căn cứ thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Theo đề án được phê duyệt, một số địa phương lại thuộc diện sáp nhập, nếu xây dựng sẽ gây lãng phí…
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh gần 7.400 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 7 mới giải ngân được khoảng 23%, thấp hơn bình quân cả nước (cả nước giải ngân đạt 37,85% kế hoạch). Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương chậm có cả khách quan, chủ quan đan xen, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Dù là nguyên nhân nào thì cũng phải tìm cách tháo gỡ ngay để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đó là chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc làm việc trên. Đồng chí nhắc lại chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công, đặc biệt là Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18.8.2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...
Để triển khai một dự án, công trình đầu tư công phải trải qua nhiều thủ tục, công đoạn, như một cuộc chạy tiếp sức đường dài cần có sự phối hợp của các ngành, địa phương liên quan. Nếu tất cả cùng nhanh thì dự án sẽ nhanh và ngược lại. Vì thế không ai được phép đuối sức, hụt hơi trong cuộc chạy tiếp sức này.
KIM THANH