Ba tác giả Việt đoạt Giải thưởng Nhà văn ASEAN
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 17:09, 18/08/2023
Theo đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, sự kiện diễn ra hôm 10.8 sau vài năm hoãn vì dịch, do công chúa thứ hai của Quốc vương Thái Lan - Sirivannavari Nariratana Rajakanya - chủ trì. Ba tác giả Việt đoạt giải thưởng lần lượt cho các năm 2019 (Trần Quang Đạo, tác phẩm Bay trong mơ), 2020 (Võ Khắc Nghiêm, tác phẩm Thị Lộ chính danh), 2021 (Vĩnh Quyền, tác phẩm Trong vô tận). Tác giả Võ Khắc Nghiêm qua đời năm 2022, con gái Võ Thị Kim Chi đại diện nhận giải thưởng.
Bay trong mơ là tập thơ thứ bảy của Trần Quang Đạo, do anh trình bày, vẽ bìa và minh họa. Sách có 80 bài, được chia làm tám phần, giúp người đọc liên tưởng từng giai đoạn trong "giấc mơ bay" của tác giả. Trần Quang Đạo có lối thơ tự do, không ràng buộc vần điệu, đồng thời giàu hình ảnh, suy tưởng.
Tác giả 66 tuổi, là nguyên tổng biên tập báo Nhi Đồng và có hơn 15 năm phục vụ trong quân đội. Trần Quang Đạo từng đoạt giải C cuộc thi thơ 1983-1984, giải khuyến khích thi thơ năm 1993-1994 và Tặng thưởng thơ hay năm 1995 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải nhì cuộc thi truyện Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1997.
Thị Lộ chính danh do Võ Khắc Nghiêm chấp bút, là tiểu thuyết lịch sử lấy nhân vật chính là Nguyễn Thị Lộ - nữ quan triều Lê Sơ, vợ thứ của Nguyễn Trãi. Tên tuổi của Nguyễn Thị Lộ gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án "tru di tam tộc" dòng họ Nguyễn Trãi.
Võ Khắc Nghiêm (1942-2022) quê Quảng Bình, sinh sống và làm việc ở Quảng Ninh. Sau đó ông chuyển về Hà Nội làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam. Tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2017 cho hai tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ và Mạnh hơn công lý. Võ Khắc Nghiêm từng xuất bản trên 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn và viết nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện nhựa, phim truyện truyền hình.
Trong vô tận của Vĩnh Quyền xoay quanh một thanh niên thuộc dòng họ Tôn Thất đang sống ở Mỹ, thu thập tư liệu viết luận văn thạc sĩ "Nước Đại Nam - một cường quốc Đông Á". Một ngày, anh đột ngột biết tin người cha sống một mình ở Huế đang hôn mê sâu. Ông qua đời 10 ngày sau đó. Trong thời gian đó, cha anh tỉnh lại một lần duy nhất, nhìn và nắm tay con.
Vĩnh Quyền 72 tuổi, sinh tại Huế. Ông là tác giả cuốn Debris of Debris (2009), tiểu thuyết về thời hậu chiến Việt Nam. Bản tiếng Việt của tác phẩm đoạt giải nhì Cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội nhà văn Việt Nam.
Đại diện ba nhà văn, tác giả Vĩnh Quyền nói trong sự kiện: "Đức vua và Hoàng gia Thái Lan, những nhà sáng lập giải thưởng này, không dừng lại ở việc khích lệ những thành quả cụ thể trong sáng tạo văn học, mà còn phát triển mối quan tâm, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Bởi văn học là phương tiện giao lưu văn hóa tuyệt vời".
Theo Vĩnh Quyền, Giải thưởng Nhà văn ASEAN góp phần giới thiệu các tác phẩm văn chương trong khu vực. Đa số tác giả các nước tham gia lễ trao giải chưa có điều kiện đọc tác phẩm của nhau, một phần do số lượng tác phẩm được chuyển ngữ tiếng Anh còn khiêm tốn.
Vĩnh Quyền nói các dịch giả, nhà xuất bản Đông Nam Á cho rằng văn học các nước trong khu vực "chưa đáng để dịch và giới thiệu". Vì thế, ông muốn các tác phẩm được trao giải từ năm 1979 đến nay được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu cho quốc tế.
Giải thưởng Văn học ASEAN là sự kiện văn học do Hoàng gia Thái Lan tổ chức, được trao cho các nhà thơ, nhà văn Đông Nam Á. Năm nay kỷ niệm 45 năm thành lập giải, công chúa Sirivannavari Nariratana Rajakanya tặng thưởng cho các tác giả thuộc 10 nước (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Các thể loại được vinh danh gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, văn hóa dân gian, các tác phẩm học thuật và tôn giáo. Bên cạnh lễ trao giải, các tác giả còn tham gia sự kiện giao lưu, hội thảo.
Nhiều nhà văn Việt Nam từng đoạt giải thưởng, như Tố Hữu (năm 1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Nguyễn Nhật Ánh (2010).
Theo VnExpress