Các quy tắc cần đặt cho con lớn sống chung nhà

Gia đình - Ngày đăng : 18:06, 18/08/2023

Những lúc khó khăn, con cái tìm về với cha mẹ để được che chở, dựa dẫm nhưng có những quy tắc nhất định họ cần có để không hủy hoại quan hệ gia đình.

Dữ liệu từ khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ cho thấy nhiều thanh niên (18-27 tuổi) chọn sống cùng với bố mẹ thay vì tách ra ở riêng. Tình trạng này tăng lên ở tất cả các nhóm chủng tộc, không phân biệt giới tính, khu vực sống đô thị hay nông thôn.

Cuộc sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà có thể có cả lợi và hại. Bên cạnh lợi ích về tài chính, tình cảm, giữa cha mẹ và con cái đã trưởng thành có thể nảy sinh mâu thuẫn do sự xung đột về thói quen và kỳ vọng.


Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, chìa khóa để giảm bớt những xích mích chính là thực hành giao tiếp cởi mở và đặt ra một số quy tắc có thể giúp thiết lập ranh giới rõ ràng. Cha mẹ nên đề ra 6 quy tắc cơ bản sau với những người con trưởng thành sống chung nhà.

Yêu cầu đóng góp vào chi tiêu gia đình

Khi con còn nhỏ, việc không cần đóng góp vào chi tiêu gia đình là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, khi con đã lớn, đi làm và có thu nhập, cha mẹ nên trao đổi thẳng thắn về những kỳ vọng tài chính của mình với con.

Theo các chuyên gia về hôn nhân - gia đình, ngay cả khi lý do chính để con sống ở nhà cha mẹ là để tiết kiệm tiền thuê nhà, chúng vẫn nên tìm cách đóng góp vào chi phí gia đình và giảm bớt gánh nặng tài chính chung cho cha mẹ.

Bạn cũng có thể thảo luận với con xem kỳ vọng này có thể thay đổi như thế nào nếu con bạn có công việc khác với thu nhập cao hơn hoặc thấp hơn.

Làm việc nhà

Bất kể nguồn tài chính của con bạn có hạn chế hay không, con vẫn có thể đóng góp cho gia đình theo những cách khác nhau, ví dụ dành thời gian cho công việc nhà. Ở mức tối thiểu, con nên dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ nấu ăn, đổ rác và làm các công việc khác khi cần thiết. Chia sẻ không gian có nghĩa là chia sẻ trách nhiệm chung là giữ cho nhà gọn gàng. Điều này cũng giúp thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và đảm bảo mọi người cảm thấy như ở nhà, chứ không chỉ như một vị khách.

Tuân thủ các quy tắc tiếp khách gia đình đặt ra

Con cái còn trẻ và có nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ. Trong khi đó, bạn thấy phiền hà nếu lúc nào nhà mình cũng có người ra, người vào. Bạn có thể thấy ổn nếu có một hoặc hai người bạn của con thi thoảng đến chơi nhưng không muốn con dẫn quá nhiều bạn đến nhà.

Thay vì im lặng chịu đựng, ngay từ đầu, cha mẹ nên đặt ra các quy tắc sử dụng không gian gia đình. Đó là điều cần thiết để duy trì sự riêng tư và thoải mái của tất cả các thành viên, trong đó có bạn.

Con cần đặt mục tiêu phát triển cá nhân

Bên cạnh các quy tắc đề ra cho con khi sống chung, cha mẹ nên yêu cầu con tự đặt ra một số kỳ vọng cho bản thân. Thông qua việc yêu cầu con xác định các mục tiêu phát triển trong tương lai, cha mẹ có thể giúp trẻ không rơi vào thế trì trệ, lười phấn đấu. Cha mẹ nên khuyến khích con đặt ra mục tiêu ngắn hạn như có việc làm, tiết kiệm tiền để mua nhà, học lên bậc cao hơn. Điều này giúp cho người con tiến bộ hơn trong tương lai.

Nói rõ về thời gian cho con ở cùng

Nếu bạn thoải mái với quan điểm con có thể ở cùng cha mẹ cả đời thì không sao, tuy nhiên trong trường hợp bạn muốn con độc lập, có cuộc sống riêng, tốt nhất nên nói rõ với con những kỳ vọng của mình về thời gian lưu trú. Ví dụ, bạn có thể nói cho con ở cùng một năm hoặc sáu tháng, sau đó, con nên tự lo cho mình một không gian sống độc lập. Cần lưu ý, việc thiết lập thời gian lưu trú theo thỏa thuận sẽ khuyến khích sự độc lập, quản lý kỳ vọng và thúc đẩy tiến bộ của con.

Tương tác trong gia đình là bắt buộc

Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc khi sống chung là thúc đẩy giao tiếp cởi mở thông qua các cuộc tương tác gia đình. Những cuộc trò chuyện này nên được tiếp cận với tinh thần tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng lắng nghe tích cực.

Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học Benson G. Munyan, cha mẹ và con trưởng thành cần thiết lập một quy tắc khuyến khích giao tiếp thường xuyên và cởi mở về các mối quan tâm, lịch trình và trách nhiệm chung. Điều này giúp giải quyết sớm mọi vấn đề hoặc xung đột, thúc đẩy sự hiểu biết, yêu thương.

Cha mẹ và con có thể đặt ra quy tắc ăn chung bữa tối để ngồi lại trò chuyện, chia sẻ, thay vì mạnh ai nấy làm.

Theo VnExpress