Hải Dương yêu cầu các sở, ngành tăng cường phối hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 18:57, 18/08/2023

Tại cuộc làm việc chiều 18.8, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp để giải quyết nhanh các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ công việc.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì hội nghị triển khai phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc kinh tế ngành và đầu tư công

Chiều 18.8, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị triển khai phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình giải quyết công việc đối với lĩnh vực kinh tế ngành và đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, chuyên viên theo dõi ngành, lĩnh vực; tập thể lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan, đơn vị kinh tế ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và một số đơn vị liên quan.

Phối hợp theo nhóm vấn đề

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản khẳng định thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong khối kinh tế ngành đã phối hợp triển khai khối lượng công việc lớn, tạo tiền đề cho cả giai đoạn phát triển 2021-2030. Hải Dương đã hoàn thành quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất 5 năm, hằng năm… là nền tảng để triển khai các dự án đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh đã giải quyết tương đối hiệu quả những vấn đề phát sinh trong và sau thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài ra, Hải Dương đang trình phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.


Đồng chí Chủ tịch UBND TP Hải Dương Trần Hồ Đăng nêu các vấn đề vướng mắc của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương kết quả trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị khối kinh tế ngành và địa phương về thực hiện công việc chung. Tuy nhiên, việc phối hợp vẫn còn điểm nghẽn nên nhiều phần việc không bảo đảm tiến độ đề ra. Vì vậy, cần phải xây dựng nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhằm tạo thuận lợi trong quá trình xử lý, giải quyết.

Để việc phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản đề nghị các cơ quan, đơn vị thẳng thắn thảo luận, nêu ý kiến theo từng nhóm vấn đề. Bao gồm trình tự thực hiện các dự án đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là sử dụng vốn đầu tư công gắn với xây dựng nông thôn mới và trụ sở làm việc của công an cấp xã; công tác giải phóng mặt bằng.

Nhìn thẳng vào khó khăn, vướng mắc


Đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Trương Đức San trao đổi về đầu tư công 

Nêu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hải Dương Trần Hồ Đăng cho biết hiện thành phố gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, vốn đầu tư công phụ thuộc vào tiền thu sử dụng đất nhưng việc tính giá còn chậm. “Tỉnh có thể nghiên cứu phân cấp trong giải phóng mặt bằng để địa phương chủ động một số phần việc, đồng thời xem xét chế độ, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng phù hợp với thực tiễn để nhân dân đồng thuận. Với những vấn đề cần sự phối hợp còn vướng mắc, cán bộ chuyên môn có thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo phụ trách nhằm tháo gỡ kịp thời”, ông Trần Hồ Đăng đề xuất.

Liên quan tới vấn đề đầu tư công gắn với xây dựng nông thôn mới, trụ sở làm việc công an cấp xã, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Trương Đức San thông tin hiện tất cả phường, xã tại địa phương đều có nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo quy định, các địa phương có nợ đọng sẽ không được giao làm chủ đầu tư dự án, gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án, công trình. Ngoài ra, việc thu hút nguồn đầu tư trên địa bàn hạn chế khi thị trường bất động sản trầm lắng. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, nhất là trong xác định nguồn gốc đất...


Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND một số huyện, thành phố cũng đề nghị tỉnh quan tâm tới việc bố trí tái định cư trong giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều chỉnh chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư dự án. Tỉnh cần xem xét sớm hỗ trợ hạ tầng, giải pháp kỹ thuật để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, phát huy lợi thế sẵn có của từng địa phương. Có cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp…

Là đơn vị đầu tiên trong khối sở, ban, ngành nêu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề nghị cần phải có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các phần việc trong thực hiện dự án đầu tư công. Ban là đơn vị phải phối hợp với nhiều sở, ban, ngành, địa phương để triển khai nhiệm vụ được giao, bao gồm công tác lập, thẩm định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật; triển khai thi công xây dựng; giải ngân vốn đầu tư công. Các nội dung này liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nền cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai dự án thuận lợi, bảo đảm tiến độ.


Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt bước chuẩn bị đầu tư để chủ động trong bố trí vốn đầu tư công

Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho hay việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ hiện nay chủ yếu thông qua các cuộc họp bàn, cho ý kiến bằng văn bản. Với chức năng, nhiệm vụ của ban cần phải xin ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị. Do đó, cần có cơ chế phối hợp phù hợp, hiệu quả để xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời, tránh việc chờ đợi gây mất thời gian, làm chậm trễ công việc. Hiện ban tập trung phát triển các khu công nghiệp mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Vì thế cần các sở, ban, ngành, địa phương hợp tác đẩy nhanh thực hiện các vấn đề về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng…

Đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp. Để tránh mất thời gian cho việc họp bàn, cơ quan chủ trì có thể lấy ý kiến bằng văn bản với những vấn đề không nhất thiết phải trao đổi trực tiếp. Tỉnh có thể nghiên cứu việc phân cấp trong thực hiện nhiệm vụ. Việc phối hợp cần chặt chẽ theo từng cấp bậc từ chuyên viên tới lãnh đạo. “Ngành tài nguyên, môi trường phải xử lý khối lượng công việc lớn gồm giải quyết sự vụ và quản lý nhà nước. Các vấn đề mà ngành tham mưu xử lý thường phức tạp, nhất là quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai… Chính vì vậy, để công việc triển khai hiệu quả, thông suốt thì việc phối hợp cần chủ động”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói.


Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trong việc thực hiện các dự án đầu tư công, các sở, ban, ngành, địa phương cần làm tốt từ khâu chuẩn bị đầu tư để việc phân bổ, bố trí vốn kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ban, ngành khối kinh tế và địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của tỉnh. Trong đó việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị phải giản tiện nhưng chặt chẽ, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị khi được lấy ý kiến phải nêu quan điểm rõ ràng, không vòng vo, trả lời chung chung làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu những việc có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện xử lý thì nhanh chóng triển khai, tạo thuận lợi cho các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp, trao đổi từ cấp chuyên viên để sớm nắm bắt vấn đề, chủ động tham mưu. Muốn công việc đạt được tiến độ nhanh, khối lượng nhiều, các bên phải phối hợp trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Trước mắt, các sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh, tạo nền tảng cho phát triển về sau.

DŨNG CƯỜNG