[Audio] Nơi khởi nghĩa đầu tiên ở Hải Dương

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 06:03, 19/08/2023

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, huyện Tứ Kỳ là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức tấn công uy hiếp chính quyền bù nhìn.


Đường dẫn ra Đò Đồn là khu vực lực lượng Việt Minh huyện Tứ Kỳ tổ chức phá kho thóc Nhật chia cho nông dân ngày 15.8.1945

Nhanh chóng thắng lợi

Quá trình chuẩn bị và tiến hành tấn công uy hiếp chính quyền bù nhìn, phá kho thóc Nhật ở Tứ Kỳ được Lịch sử Đảng bộ huyện Tứ Kỳ ghi lại khá chi tiết. Trước vài ngày diễn ra Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, tại huyện Tứ Kỳ, lực lượng Việt Minh do đồng chí Đỗ Huy Liêm chỉ huy đã tích cực chuẩn bị để thực hiện quyết định chiếm phủ đường, phá kho thóc của Nhật ở Đò Đồn (xã Quang Phục) chia cho dân nghèo.

Để bảo đảm thắng lợi, lực lượng Việt Minh huyện đã làm công tác binh vận để có vũ khí và tìm cách thâm nhập vào phủ đường thuyết phục được lực lượng bảo vệ phủ, một số lính lệ ngả theo ta. Có vũ khí, có nội ứng, có nhân dân hưởng ứng, lực lượng Việt Minh huyện quyết định 15.8 sẽ là ngày hành động.

Toàn bộ lực lượng Việt Minh trong huyện nhận được lệnh đã bí mật mang theo vũ khí, tập trung ở đình thôn La Tỉnh (nay ở thị trấn Tứ Kỳ). Riêng Việt Minh khu thượng làm nhiệm vụ bố trí lực lượng dọc đường 191 từ Ngọc Sơn xuống Ngã Tư Mắc (xã Quang Phục) để phòng địch ứng cứu.

Đúng 2 giờ sáng 15.8.1945, đồng chí Đỗ Huy Liêm dẫn đầu đoàn Việt Minh huyện bí mật tiến về phủ đường. Đúng mật hiệu với nội ứng, 4 giờ 30, lực lượng Việt Minh đột nhập vào phủ. Do bị bất ngờ, Tri huyện Nguyễn Bá Ngà và đồng bọn không kịp kháng cự, bỏ vũ khí xin đầu hàng. Lực lượng cách mạng đã thu 12 súng, bắt Tri huyện Nguyễn Bá Ngà nộp triện bạ và chìa khóa kho tàng. Thay mặt Mặt trận Việt Minh huyện, đồng chí Đỗ Huy Liêm tuyên bố cho Tri huyện Nguyễn Bá Ngà đầu hàng, được tha mạng và lệnh lực lượng xung phong mở kho thóc ở Đò Đồn chia cho dân nghèo. Trời gần sáng, đông đảo quần chúng nhân dân đã mang quang gánh, thuyền bè đi theo Việt Minh lấy thóc. 300 tấn thóc đã được đưa đến gia đình nông dân trong huyện để cứu đói.


Đài kỷ niệm nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Tứ Kỳ tại đình La Tỉnh (thị trấn Tứ Kỳ)

Sự kiện đặc biệt

Ngay sau sáng 15.8, lực lượng Việt Minh huyện Tứ Kỳ đã tổ chức mít tinh, hô hào quần chúng đứng lên giành chính quyền ở các xã, tiếp tục phá các kho thóc của chính quyền bù nhìn, trừng trị Việt gian. Ngày 20.8.1945, Việt Minh huyện Tứ Kỳ họp ở đình thôn La Tỉnh, bầu ra Ủy ban Cách mạng lâm thời do đồng chí Đỗ Huy Liêm làm Chủ tịch. Quá trình giành chính quyền ở huyện Tứ Kỳ đạt được thắng lợi trọn vẹn.


Lãnh đạo xã Quang Phục giới thiệu về một trong những địa điểm trong khu vực diễn ra sự kiện lực lượng Việt Minh huyện Tứ Kỳ tổ chức phá kho thóc Nhật chia cho nông dân ngày 15.8.1945

Là chủ biên cuốn Lịch sử tỉnh Hải Dương tập 3 (từ năm 1883 đến năm 1945), Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về sự kiện tấn công chính quyền bù nhìn ở huyện Tứ Kỳ năm 1945. Theo ông Phạm Hồng Tung, cuộc tấn công của Việt Minh huyện vào phủ đường huyện Tứ Kỳ nhằm uy hiếp chính quyền bù nhìn để phá kho thóc cứu đói cho dân, chứ chưa nằm trong chủ trương hay kế hoạch giành chính quyền của Việt Minh huyện. Việc này đã diễn ra trước khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh và ở thời điểm đó lực lượng cách mạng ở Hải Dương cũng chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa từ Tân Trào. Lúc này, lệnh giành chính quyền của Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh cũng chưa được ban bố.

Do chưa có chủ trương và chưa có chỉ đạo từ cấp trên nên Việt Minh huyện Tứ Kỳ đã không tuyên bố xóa bỏ ngay chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Cho nên, sau đó Tri huyện Nguyễn Bá Ngà đã được tha chết, vẫn ở tại huyện đường, mấy ngày sau mới bỏ trốn. Việt Minh huyện sau đó mới họp và bầu ra Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện vào ngày 20.8.1945. Ngày 22.8.1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tổ chức mít tinh, ra mắt nhân dân và tuyên bố xóa bỏ toàn bộ chính quyền cũ trên địa bàn huyện.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung nhận định việc giành chính quyền của lực lượng cách mạng do Việt Minh lãnh đạo ở huyện Tứ Kỳ, xét về thực chất đã bắt đầu và giành thắng lợi cơ bản vào rạng sáng 15.8.1945 và kết thúc thắng lợi vào ngày 22.8.1945. “Đây là sự kiện đặc biệt, là kết quả của tình thế cụ thể, là sự kiện tiêu biểu cho sự chuyển hóa cuộc đấu tranh phá kho thóc, giải quyết nạn đói biến thành cuộc khởi nghĩa từng phần thắng lợi”, ông Tung cho biết thêm. 

HOÀNG BIÊN