[Video] Tìm kiếm ứng dụng thực tiễn từ Fintech, AI, Blockchain, Cloud cho chuyển đổi số Hải Dương

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:13, 18/08/2023

Sáng 18.8, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (TP Hải Dương), Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức hội nghị cập nhật kiến thức về Fintech (công nghệ tài chính), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối), Cloud (công nghệ điện toán đám mây) cho nhà quản lý và hoạch định chính sách.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo đại biểu dự hội nghị

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và chủ trì hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Giáo sư Đại học Chicago (Hoa Kỳ); Giáo sư Đức (David) Trần, Giám đốc Lab “Tính toán kết nối” tại Đại học Massachusetts Hoa Kỳ; Phó Giáo sư Nguyễn Việt Anh, Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc quốc gia của Google Cloud Việt Nam; ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ SAVIS.

Cùng dự còn có một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện một số sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, gần 600 khách mời trong và ngoài tỉnh.

Hải Dương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tạo ra giá trị cao

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh Hải Dương thúc đẩy ứng dụng công nghệ số tạo ra giá trị cao

Phát biểu chào mừng, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cảm ơn Viện Nghiên cứu cao cấp về toán trong phối hợp, hỗ trợ tỉnh tổ chức hội nghị.

Đề cập đến Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết 06 về chuyển đổi số cũng như Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương 26.3 hằng năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh Hải Dương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như AI, Blockchain, Fintech, Cloud… Từ đó tạo ra các mô hình quản lý, kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.

Dưới sự chứng kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng và đại biểu, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh đã ký kết hợp tác với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, đơn vị thường trực điều phối Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học

Thời gian qua, Hải Dương đã và đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từng bước ứng dụng công nghệ AI, Big data (dữ liệu lớn) để góp phần phát triển 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành từ mô hình truyền thống sang môi trường số. Hải Dương cũng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn về đầu tư và khởi nghiệp tại tỉnh.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng, Giáo sư Ngô Bảo Châu và các đại biểu tham quan gian hàng giải pháp số của Công ty CP Công nghệ SAVIS trong khuôn khổ hội nghị

Theo công bố của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, kết quả năm 2022, Hải Dương đứng thứ 13 trong 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 1 bậc so với năm 2021), trong đó hoạt động chính quyền số xếp thứ 15/63, hoạt động kinh tế số xếp thứ 7/63, hoạt động xã hội số xếp thứ 4/63; Cổng dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với tư duy “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện từng cấp chính quyền, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và người dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, Hải Dương xác định triển khai chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh hội nghị là dịp để cùng thảo luận, chia sẻ ý kiến, cùng tạo ra ý tưởng mới để khai phá thêm những tiềm năng to lớn của công nghệ số trong phát triển kinh tế-xã hội của Hải Dương. Từ đó mở ra tầm nhìn mới trong triển khai chuyển đổi số, đóng góp hữu ích trong lĩnh vực, ngành nghề mà các cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Fintech, AI, Blockchain, Cloud và ứng dụng tại Hải Dương

Phát biểu tại sự kiện, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng toán học sẽ giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi như xử lý dữ liệu lớn, bảo mật thông tin

Tại hội nghị, Giáo sư Ngô Bảo Châu nhấn mạnh 1 trong 2 sứ mệnh của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là điều phối chương trình trọng điểm quốc gia về toán học giai đoạn 2021-2030 với một trong những nhiệm vụ, giải pháp chính là hỗ trợ cho việc phát triển ứng dụng của toán học, với một số vấn đề cốt lõi như xử lý dữ liệu lớn, bảo mật, mã hóa thông tin… 

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, để có thể đẩy mạnh ứng dụng toán học cần một nền giáo dục toán học hiện đại nhưng vẫn duy trì, tiếp nối truyền thống tốt đẹp trong học toán của người Việt Nam. Ngoài ra cần phải có những nhà nghiên cứu lý thuyết giỏi, kỹ sư thực hành có khả năng sử dụng các công cụ toán học mạnh. Từ đó tạo nên các sản phẩm có sức cạnh tranh, tính an toàn cao.

Giáo sư Đức (David) Trần, Giám đốc Lab “Tính toán kết nối” tại Đại học Massachusetts Hoa Kỳ trao đổi về Blockchain

Đại biểu dự hội nghị đã được nghe các diễn giả đã giới thiệu, diễn thuyết về Blockchain với kinh tế số, AI với kinh tế số, ứng dụng AI trong hiện đại hóa chính quyền số, ứng dụng Fintech và thanh toán số. Qua đó làm rõ một số vấn đề liên quan như tập trung dữ liệu, chia sẻ dữ liệu; nhu cầu, sự khác biệt về sử dụng AI trong doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; bảo mật thông tin trên nền tảng điện toán đám mây; tác động của công nghệ số tới thị trường lao động; thúc đẩy thanh toán số cũng như kinh nghiệm phát triển, ứng dụng công nghệ số tại một số quốc gia trên thế giới.


Một số gian hàng giới thiệu giải pháp, sản phẩm công nghệ số

Trong phần trình bày của mình, các chuyên gia đều nhấn mạnh có thể phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, thí điểm ứng dụng công nghệ số tại Hải Dương thời gian tới như một số sản phẩm AI của Google.

Trong phần hỏi đáp, nhiều câu hỏi đáng quan tâm như con người, nhất là một số ngành nghề nhất định cần làm gì để không dễ dàng bị thay thế bởi AI; đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực công nghệ cao; phát triển công nghệ lõi; định hướng nghề nghiệp…

Một nữ sinh viên từ Trường Đại học New York (Mỹ) đặt câu hỏi về vấn đề phát triển công nghệ lõi cũng như giữ chân nguồn nhân lực công nghệ cao

Giáo sư Ngô Bảo Châu và các chuyên gia tại hội nghị cho rằng con người nói chung, lực lượng lao động trong một số ngành nghề nói riêng cần làm giàu nền tảng kiến thức vững chắc, cùng với đó là rèn luyện khả năng tự học để sẵn sàng tiếp cận, làm chủ công nghệ mới. Về nhân lực, nền giáo dục Việt Nam nhiều năm qua đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để giữ chân nhân lực chất lượng cao, tránh tình trạng “chảy máu” chất xám tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có môi trường làm việc, cơ hội phát triển. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam ngày càng có nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, nhất là từ nhiều tập đoàn kinh tế lớn. 

Về định hướng nghề nghiệp, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng không có công thức chung trong giáo dục, hướng nghiệp. Tuy nhiên, ngoài yếu tố năng lực bẩm sinh, sự giáo dục, rèn luyện của các bậc phụ huynh đóng vai trò quan trọng đối với thành công của con mình. Bên cạnh việc giúp trang bị kiến thức, phụ huynh cần rèn luyện nhân cách cho con mình. 


Giáo sư Ngô Bảo Châu và các chuyên gia tại hội nghị giải đáp nhiều câu hỏi, nhất là về định hướng nghề nghiệp, thách thức từ AI...

Tại hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, đơn vị thường trực điều phối Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học. Từ đó sẽ có thêm cơ hội tổ chức các hoạt động quảng bá toán học, hỗ trợ giáo dục toán học, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài toán học và khoa học nói chung.

Trong khuôn khổ hội nghị, một số doanh nghiệp viễn thông hàng đầu như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Mobifone, Công ty Savis, Công ty NGS đã tổ chức nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu giải pháp, sản phẩm công nghệ số ứng dụng Fintech, AI, Blockchain, Cloud.

Hội nghị về công nghệ số tại Hải Dương có sự tham dự của hơn 600 đại biểu trong và ngoài tỉnh



Mã QR một số tài liệu tại hội nghị

PV