Hầu hết quốc gia Tây Phi sẵn sàng tham gia lực lượng dự phòng ở Niger

Tin tức - Ngày đăng : 05:25, 18/08/2023

Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho biết hầu hết quốc gia thành viên đã sẵn sàng tham gia một lực lượng dự phòng, có thể can thiệp vào Niger sau cuộc đảo chính.


Chủ tịch luân phiên ECOWAS) Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu (trái) tại phiên họp lãnh đạo các quốc gia thành viên ECOWAS về tình hình Niger tại Abuja ngày 10.8.2023

Theo kênh Al Jazeera, các bộ trưởng quốc phòng của ECOWAS đã gặp nhau tại Accra ngày 17.8 trong khuôn khổ những nỗ lực mới nhất nhằm đảo ngược vụ phế truất Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ông Bazoum đã bị phế truất trong cuộc đảo chính ngày 26.7.

Theo Ủy viên ECOWAS Abdel-Fatau Musah, tất cả quốc gia thành viên ngoại trừ Cape Verde và những quốc gia có chính phủ quân quản đều sẵn sàng tham gia lực lượng dự phòng.

Tham mưu trưởng Quốc phòng Nigeria, Tướng Christopher Gwabin Musa cho biết khi bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày ở Accra: “Dân chủ là những gì chúng tôi ủng hộ và đó là những gì chúng tôi khuyến khích. Trọng tâm cuộc họp của chúng tôi không chỉ đơn giản là phản ứng với các sự kiện, mà là chủ động vạch ra một lộ trình mang lại hòa bình và thúc đẩy ổn định”.

Cuộc họp thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Niger diễn ra sau khi đã qua thời hạn chót ngày 6/8 để những binh sĩ nổi loạn thả và phục hồi chức vụ cho ông Bazoum, nếu không sẽ đối mặt với một cuộc can thiệp quân sự. Ông Bazoum vẫn bị quản thúc tại gia cùng vợ và con trai ở thủ đô Niamey.

Trong nhiều tuần qua, ECOWAS đã cân nhắc về việc sử dụng vũ lực mà khối này cho là phương sách cuối cùng.

Burkina Faso và Mali, hai quốc gia đã trải qua nhiều cuộc đảo chính kể từ năm 2020, cảnh báo rằng can thiệp quân sự vào Niger sẽ bị coi là hành động chiến tranh. Điều đó cho thấy sự rạn nứt trong khu vực giữa các quốc gia ven biển và những quốc gia ở Sahel đầy biến động.

Guinea, quốc gia cũng có quân đội nắm quyền và đã lên án hành động gây hấn từ bên ngoài, đã kiềm chế và không đưa ra bình luận nào khác.

Còn chính quyền Ghana lo lắng về việc khiêu khích nước láng giềng mà họ có quan hệ văn hóa và thỏa thuận hợp tác quân sự.

Trước đó, ngày 14.8, Hội đồng An ninh và Hòa bình Liên minh châu Phi đã họp để xem xét liệu họ có hỗ trợ can thiệp quân sự hay không nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định công khai.

Hội đồng này có thể bác bỏ cuộc can thiệp quân sự nếu họ cảm thấy rằng sự ổn định nói chung của châu Phi đang bị đe dọa do hành vi can thiệp đó. Nếu hội đồng này bác bỏ sử dụng vũ lực, có rất ít căn cứ để ECOWAS giải thích cho hành vi can thiệp quân sự về mặt pháp lý.

Trong khi đó, ngày 15.8, chính quyền quân sự ở Niger tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng. Thủ tướng do chính quyền quân sự ở Niger chỉ định, ông Ali Mahamane Lamine Zeine nói: "Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi. Chúng tôi đã giải thích mọi thứ từ đầu đến cuối, chúng tôi sẵn sàng cởi mở và đối thoại với tất cả các bên, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng đất nước của chúng tôi cần được độc lập".

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế và các nước như Mỹ, Nga và Đức kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Ngày 15.8, Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự Mali Assimi Goita, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Điện Kremlin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình hình ở Niger thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình.

Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Tây Phi, Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze cho rằng vụ đảo chính ở Niger gây cản trở, làm trầm trọng thêm các thách thức phát triển phức tạp ở quốc gia này và xa hơn là khu vực Sahel. Thay mặt Liên minh Sahel, ông Schulze kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục đầy đủ trật tự hiến pháp tại Niger.

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Niger năm 2021 mà ông Mohamed Bazoum chiến thắng được xem là sự kiện bước ngoặt, mở ra cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên của quốc gia Tây Phi này kể từ khi độc lập khỏi Pháp vào năm 1960. Việc Tổng thống Bazoum bị lật đổ đã gây chấn động khắp Tây Phi, nơi Mali và Burkina Faso cũng trải qua các vụ đảo chính và quân đội lên nắm quyền.

Cuộc đảo chính ở Niger đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn.

Theo Báo Tin tức