Cửa hàng mất tiền vì bị dán đè mã QR
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 15:16, 17/08/2023
Ngọc Anh, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội, cho biết sự việc xảy ra cuối tháng 7, khi một khách thanh toán 50.000 đồng bằng cách quét mã QR. Thông thường, ngay sau đó điện thoại của cô sẽ hiện thông báo đã nhận.
Tuy nhiên sau vài phút vẫn chưa nhận được, cô đề nghị khách cho xem lịch sử giao dịch và thấy tiền đã được chuyển đến một tài khoản đứng tên người khác, trong khi khách khẳng định quét mã QR dán trên tường tại cửa hàng. "Kiểm tra thấy có một miếng dán QR khác được dán đè lên mã của mình. Trước đó tôi cũng từng nghe về chiêu trò này rồi, không ngờ cửa hàng mình cũng gặp", Ngọc Anh cho hay.
Do số tiền nhỏ, cô chấp nhận chịu thiệt. Sau đó, Ngọc Anh cũng bóc hết những QR dán bên ngoài, chỉ để lại duy nhất một mã ở ngay bàn tính tiền.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh, quản lý một quán cà phê tại Vĩnh Phúc, cho biết cửa hàng vẫn kẹp mã QR trong các tấm mica và đặt ở một số bàn để thuận tiện cho khách. Tuy nhiên, hai trong số này bị tháo và dán đè. Khi phát hiện, khách không chấp nhận thanh toán tiền nước hai lần vì "đã thực hiện đúng chỉ dẫn của cửa hàng", khiến anh phải bù khoản tiền vài trăm nghìn đồng.
Mã QR hiện là một trong những hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản như trước, người dùng chỉ cần quét là thông tin được tự động điền. Việc liên kết giữa các đơn vị cũng giúp thanh toán QR trở nên đơn giản, khi ứng dụng của ngân hàng này có thể quét QR của bên khác. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 5 tháng đầu 2023, thanh toán qua phương thức quét mã QR tăng 151,14% về số lượng và 30,41% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy. Một số còn sao thành nhiều bản, dán tại các khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến kẻ gian dán đè, "tráo" địa chỉ nhận tiền.
Theo ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, thời gian qua hình thức giả mạo này đã được ghi nhận dù chưa phổ biến. Tuy nhiên, sự nguy hiểm nằm ở việc kẻ xấu có thể dễ dàng thực hiện bằng cách đóng vai khách hàng, dán mã QR mới trong vài giây, sau đó chọn mua món hàng với giá trị lớn.
Theo ông Hiếu, tương tự các vụ lừa đảo qua mạng, tài khoản nhận tiền thường là tài khoản không chính chủ, gây khó khăn cho việc truy tìm. Trên thị trường chợ đen, tài khoản ngân hàng rác có thể được mua giá 2-3 triệu đồng. Kẻ gian sẵn sàng chi số tiền này vì các vụ lừa đảo có thể đem lại cho chúng khoản chênh lệch lớn hơn nhiều.
Để hạn chế tình trạng chuyển tiền nhầm khi quét mã QR, đại diện dự án Chống lừa đảo khuyến nghị người dùng khi quét mã xong cần đọc lại thông tin số tài khoản và tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng.
"Chủ cửa hàng có thể kiểm tra camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR và luôn rà soát những mã trong cửa hàng mình", ông Hiếu nói.
Theo VnExpress