Một số hạn chế lò hơi đốt bằng vải vụn
Xã hội - Ngày đăng : 21:05, 18/08/2023
Lò hơi tạo nhiệt bằng vải vụn tại Công ty CP May II Hải Dương (ảnh tư liệu)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn Hải Dương có 11 cơ sở hoạt động sản xuất hàng may mặc đã lắp đặt và đưa vào sử dụng tổng số 18 lò hơi sử dụng nhiên liệu đốt là vải vụn phát sinh từ quá trình sản xuất. 7 lò hơi có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam, 11 lò hơi xuất xứ từ Hàn Quốc.
Hoạt động sử dụng các lò hơi đốt vải vụn đã giúp các cơ sở trực tiếp xử lý được khối lượng lớn vải vụn phát sinh, thu hồi năng lượng, góp phần giảm tải lượng chất thải ra ngoài môi trường, đồng thời tiết kiệm được chi phí chuyển giao xử lý. Các cơ sở đã có thủ tục hành chính về môi trường trước khi đưa lò hơi đi vào hoạt động (lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản xin điều chỉnh, bổ sung nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hoạt động của lò hơi); thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc chất thải theo quy định. Tuy nhiên, hoạt động của các lò hơi đốt vải vụn có một số hạn chế như: Cơ chế vận hành lò hơi chưa bảo đảm hoạt động đủ liên tục ít nhất 24 giờ cho mỗi lần khởi động lò; phần lớn các lò hơi chưa có cơ chế kiểm soát nhiệt độ tại buồng sơ cấp, thứ cấp (chưa lắp đặt thiết bị giám sát tự động, liên tục để đo thông số nhiệt độ trong các vùng đốt, nhiệt độ khí thải sau hệ thống xử lý khí thải)…
Thời gian qua, đã xuất hiện một số phản ánh của nhân dân về việc lò hơi đốt vải của một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình giải quyết đơn thư phản ánh, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp thực hiện lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả xử lý lò hơi đốt vải vụn của Công ty TNHH Sản xuất VSM Nhật Bản ở Cẩm Giàng, Công ty CP May II Hải Dương ở TP Hải Dương. Kết quả phân tích mẫu khí thải lò hơi sau hệ thống xử lý vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Nguyên nhân do việc lắp đặt, vận hành các lò hơi đốt vải vụn chưa bảo đảm các thông số kỹ thuật cơ bản, cơ chế vận hành chưa bảo đảm theo đúng QCVN 30:2012/BTNMT dẫn đến hoạt động của lò hơi không ổn định, nhiệt độ buồng đốt thứ cấp không bảo đảm ≥1.000 độ C nên không đốt được hết các khí ô nhiễm phát sinh từ buồng đốt sơ cấp. Nhiều lò đốt chưa thực hiện được việc nâng hạ nhiệt độ trong quá trình khởi động lò hơi dẫn đến phát sinh hiện tượng khói đen trong quá trình nhóm lò...
Tháng 3.2023, UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả môi trường của hoạt động sử dụng lò hơi đốt vải. Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, đánh giá hiệu quả xử lý môi trường của các cơ sở sử dụng lò hơi đốt vải trên địa bàn tỉnh.
PV