Không trả lại tài sản nhặt được có bị phạt không?
Tư vấn - Ngày đăng : 09:19, 16/08/2023
MINH ĐỨC (Kinh Môn)
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, người nhặt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, theo yêu cầu của những người này.
Trường hợp các chủ thể trên có yêu cầu trả lại tài sản nhưng người nhặt được không trả lại tài sản thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 2 điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Ngoài ra, người chiếm giữ trái phép tài sản còn buộc phải trả lại tài sản mà mình chiếm giữ trái phép.
Người chiếm giữ trái phép tài sản của người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản tại điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Theo đó, khung 1, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được. Sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Khung 2, phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.