Thơm ngon bánh đa gấc Kẻ Sặt
Thị trường - Ngày đăng : 10:19, 16/08/2023
Bánh đa gấc Kẻ Sặt, thức quà quê dân dã
Gia đình bà Phạm Thị Lưu ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) đã gắn bó với nghề làm bánh đa gấc hơn 20 năm nay. Theo bà Lưu, để làm ra một chiếc bánh đa gấc phải trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Nguyên liệu để làm ra một chiếc bánh đa gấc gồm gạo tẻ, gấc, lạc, vừng, dừa, đường kính. Gạo ngâm từ 1-2 giờ rồi cho vào xay. Những quả gấc chín được lựa chọn không quá to, màu đỏ tươi, nhiều “cơm” gấc và tinh dầu. "Cơm” gấc bỏ hạt sau đó trộn với gạo xay, đường theo tỷ lệ nhất định. Theo bà Lưu, mỗi cơ sở sản xuất lại có những “bí kíp” khác nhau. Tỷ lệ hỗn hợp các nguyên liệu quyết định đến độ giòn, xốp, vị ngọt của chiếc bánh. Sau khi hỗn hợp được trộn đều thì bắt đầu được đưa lên bếp để tráng tay. Người tráng phải thực hiện đều tay để bánh khô đều dưới ánh nắng mặt trời. Những đợt nắng to sẽ giúp bánh khô kỹ. Sau đó, bánh được cho lên bếp nướng.
Một chiếc bánh đa thành phẩm đạt yêu cầu là có màu đỏ, giòn rụm, thơm mùi vừng, lạc, dừa. Bánh đa gấc Kẻ Sặt cũng khác với những chiếc bánh đa thông thường ở chỗ được cuộn tròn, thay vì hình dạng tròn như thường thấy.
Những đợt nắng to sẽ giúp bánh khô kỹ
Thời điểm bận rộn nhất trong năm với các cơ sở sản xuất bánh đa gấc là dịp Tết Nguyên đán. Màu đỏ tươi đặc trưng của bánh đa gấc với ý nghĩa may mắn nên sản phẩm này được ưa chuộng trong dịp Tết. Vào thời điểm này, mỗi ngày gia đình bà Lưu làm từ 1.000 chiếc trở lên. Năm 2022, bà Lưu đã lựa chọn bánh đa gấc của gia đình tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Không chỉ dành tâm huyết cho những chiếc bánh, bà Lưu còn chú trọng đến việc thiết kế bao bì cho sản phẩm. Bánh đa gấc được đặt trong những chiếc hộp giấy với những hình ảnh đẹp, bắt mắt, phù hợp làm quà biếu tặng. Sau khi được công nhận là OCOP 3 sao, bánh đa gấc của gia đình bà Lưu đã có mặt tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá để nhiều người biết đến thứ quà đặc sản này.
Bánh đa gấc Kẻ Sặt nổi tiếng gần xa bởi vị ngọt vừa, giòn, xốp, vị bùi và béo ngậy rất riêng. Hiện nay, bánh đa gấc không chỉ được cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn được đưa sang một số địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng để tiêu thụ.
HUYỀN TRANG