Giao con cho chồng cũ chăm sóc có được không?
Tư vấn - Ngày đăng : 07:22, 15/08/2023
HƯƠNG LOAN (Tứ Kỳ)
Trả lời: Theo thông tin chị cung cấp, chị có thể thực hiện thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn để giao con cho chồng cũ chăm sóc. Cụ thể, theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi có đơn yêu cầu và xét thấy có một trong các căn cứ sau đây, tòa án sẽ xem xét, quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
Trường hợp này, nếu vợ chồng chị thỏa thuận được thì cần làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Sau đó, tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục việc dân sự, thời gian giải quyết nhanh gọn và đơn giản hơn. Thỏa thuận của vợ chồng được thể hiện bằng văn bản ký kết hoặc thể hiện ngay tại bản tự khai của các bên tại tòa án khi được triệu tập.
- Cha, mẹ không thỏa thuận được hoặc do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện dẫn đến người còn lại hoặc cá nhân, tổ chức khác phải khởi kiện để thay đổi người nuôi con.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, người không trực tiếp nuôi con (chồng cũ của chị) hoặc các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ) sẽ nộp đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Sau đó, tòa án sẽ giải quyết, xét xử theo trình tự, thủ tục của vụ án dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ngoài ra, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên, tòa án phải xem xét nguyện vọng của con khi thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc đơn khởi kiện về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
- Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu của vợ, chồng.
- Giấy khai sinh của con.
- Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
Thẩm quyền giải quyết:
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 35; điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là tòa án cấp huyện nơi một trong hai bên thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con cư trú, làm việc; hoặc tòa án cấp huyện nơi con đang cư trú.
Thời gian giải quyết vụ việc sẽ tùy thuộc vào hình thức yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Trường hợp khởi kiện: thông thường thời gian giải quyết là 4-6 tháng; trường hợp yêu cầu (theo thỏa thuận của cha mẹ) là từ 2 đến 3 tháng.