Thị trường “yếu”, doanh nghiệp “ốm”
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:15, 15/08/2023
Thị trường bất động sản “yếu” sẽ dẫn đến hệ quả là sự giải thể, thậm chí phá sản của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Trong ảnh: Người mô giới đất tại một khu đất đấu giá đất ở huyện Bình Giang (ảnh tư liệu).
Quý II.2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở hạn chế. Số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I.2023, tương đương chưa đầy 30% so với quý II.2022. Lượng giao dịch bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với hơn 67.500 trong tổng số gần 97.000 giao dịch thành công, dù vậy cũng chỉ tương đương gần 32% so với quý II.2022.
Đây là một trong những số liệu được Bộ Xây dựng tổng hợp từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, báo cáo tại hội nghị trực tuyến được Thủ tướng Chính phủ chủ trì liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản ngày 3.8.
Quy luật cung - cầu thị trường sẽ tạo ra kết quả là số lượng giao dịch. Nguồn cung thấp, lượng giao dịch thấp là những biến số cho thấy nhu cầu về bất động sản đang ở mức rất thấp.
Điều này tương đối dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Hàng hóa nói chung, bất động sản nói riêng bán được hay không phụ thuộc rất lớn vào sức mua của thị trường, tức là phụ thuộc vào thu nhập của người dân. Nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới. Tỷ lệ người lao động mất việc làm, bị giảm giờ làm vẫn ở mức cao, kéo giảm thu nhập bình quân của người dân. Những điều này khiến thị trường bất động sản, một trong những loại hàng hóa trị giá cao đến nay vẫn “nguội”.
Thị trường bất động sản “yếu” sẽ dẫn đến hệ quả là sự giải thể, thậm chí phá sản của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Thực tế, viễn cảnh này đã được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đưa ra trong một khảo sát thực hiện gần đây. Nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn sẽ có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động đến hết quý III.2023 và khoảng 43% trụ được đến hết năm 2023.
Nếu không tìm được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường bất động sản sẽ phải đón nhận hiện tượng “xóa sổ” của hàng loạt đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và cả môi giới. Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý II.2023 do Bộ Xây dựng công bố, số doanh nghiệp bất động sản có xu hướng giải thể tăng. Lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp mới thành lập giảm khoảng 61,4%. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp, dự án bất động sản trên cả nước, trong đó có Hải Dương.
Bên cạnh yếu tố thu nhập của người dân, doanh nghiệp, bất động sản đã và đang đối mặt nhiều vướng mắc lớn. Đầu tiên về pháp lý, như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án…
Vướng mắc tiếp theo về nguồn vốn. Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, gần như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quản trị dòng tiền, tiến độ thực hiện dự án...
Làm gì để không “ốm” khi thị trường “yếu”? Doanh nghiệp buộc phải tìm cách tự cứu lấy mình. Cần xem xét nguồn lực, rà soát dự án đang có, giữ dự án tiềm năng, đủ năng lực triển khai. Kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục. So với việc tiếp tục “ôm” dự án, gồng chi phí để rồi đối mặt nguy cơ sa lầy, phá sản trên tài sản thì việc giảm lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí sẵn sàng bán lỗ để tồn tại, chờ thời cơ có lẽ là hướng đi sáng cửa hơn.
Chính quyền nên khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai. Phân loại dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền...
SONG TƯỜNG