3 cách khắc phục da thâm sạm, sần sùi tại nhà
Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 14/08/2023
Nguyên nhân khiến da thâm sạm, sần sùi
Da thâm sạm, sần sùi là do lớp biểu bì của da bị nứt gãy, khiến các liên kết không còn và nước cấp ẩm cho da ở lớp hạ bì dễ dàng bị thất thoát. Từ đó da trở nên sần sùi, thô ráp, thâm sạm.
Di truyền: Màu sắc của da, type da… phần lớn là do di truyền. Vì vây nếu cha mẹ có type da như thế nào, thông thường con của họ cũng sở hữu làn da như vậy.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn uống không lành mạnh, không cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ carb xấu (ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, nhiều dầu mỡ…); thiếu nước, rau xanh, chất xơ, vitamin… sẽ tác động xấu đến làn da. Từ đó làn da dễ bị mụn, sần sùi, thô ráp.
- Sử dụng công nghệ nhiều: Máy tính, máy tính bảng, điện thoại, ngủ ít… là thói quen của thời đại công nghệ kỹ thuật số. Tuy rất tiện lợi, hiệu quả cho công việc, nhưng thói quen này vô tình từ từ tác động xấu đến làn da.
- Môi trường: Khi hằng ngày tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với nhiều khói bụi, khí thải… khiến da bị bám nhiều bụi bẩn. Quá trình này khiến cho làn da dễ bị tổn thương, lỗ chân lông to, da mặt sần sùi, thâm sạm nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân khiến da sần sùi, thâm sạm.
- Stress: Khi căng thẳng kéo dài, ngủ ít… cơ thể tiết ra nhiều hormone adrenaline và cortisol quá mức cần thiết. Khi adrenaline tăng sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn, khiến da mất nước. Da sẽ bị thô ráp, xỉn màu, thiếu sức sống.
- Mỹ phẩm: Mặc dù mỹ phẩm là một trong những phương tiện giúp cải thiện, làm đẹp da, nhưng nếu sử dụng mỹ phẩm không hợp với type da hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc lại là nguyên nhân khiến da bị hư tổn.
- Vệ sinh da kém: Hằng ngày da phải tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, nếu da không được vệ sinh sạch sẽ đúng cách, lâu dần bụi bẩn tích lũy kèm với tế bào da chết không được loại bỏ, sẽ khiến da bị sần sùi thô ráp, thâm sạm…
Dấu hiệu da bị sần sùi
Không cần soi da, bạn chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ tình trạng lỗ chân lông to, da không đều màu, có những chấm đen do bụi bẩn tích tụ… Khi sờ tay lên da sẽ cảm nhận được bề mặt da khô ráp, sần sùi.
Ngoài các dấu hiệu dễ nhận biết trên, da mặt sần sùi còn có các biểu hiện như:
Da khô rát, nứt nẻ, dễ bị bong tróc.
Da nổi mụn, mẩn đỏ, ngứa.
Da có nhiều mụn ẩn, khiến làn da thâm sạm, không đều màu.
Da nhanh bị lão hóa.
Thông thường, các vùng da dễ bị sần sùi là da mặt, da tay…
Khắc phục da sần sùi, thâm sạm tại nhà
Với các tình trạng da sần sùi thông thường, chỉ cần chú ý 3 bước chăm sóc da cơ bản dưới đây là có thể cải thiện tình trạng:
Vệ sinh da thường xuyên
Mỗi buổi tối cần vệ sinh da sạch bằng nước/gel tẩy trang rồi rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt. Sau bước làm sạch cần sử dụng sản phẩm chăm sóc da (lưu ý lựa chọn sản phẩm phù hợp với type da).
Mỗi tuần đều đặn tẩy da chết 2 lần. Tẩy da chết giúp loại bỏ những lớp tế bào chết trên da, đồng thời kích thích sự phát triển của các tế bào mới đẩy lên. Những tế bào da non mới này giúp làn da tươi sáng và mềm mịn hơn rất nhiều.
Trong kem tẩy da chết có chứa AHA giúp kích thích tăng sinh collagen, hỗ trợ chống lão hóa. Lưu ý chỉ nên chọn nồng độ từ 5-10%, là sản phẩm dùng tại nhà, để tránh kích ứng da.
Chống nắng bảo vệ da
Việc vệ sinh, chăm sóc da buổi tối chưa đủ mà cần bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời và khói bụi. Muốn có da đẹp thì chắc chắn phải bảo vệ da. Đặc biệt là sau khi tẩy da chết, những tế bào mới được kích thích phát triển cũng được bảo vệ tốt hơn để da sáng mịn, trẻ lâu. Hãy lưu ý xem việc chống nắng của mình đã làm tốt chưa.
Cần tạo thói quen bôi kem chống nắng đúng đủ buổi sáng và ghi nhớ bôi lại kem chống nắng sau 2-4 giờ/ lần trong ngày, nhất là khi có đi ra ngoài trời. Ngoài kem chống nắng còn cần bảo vệ da bằng áo chống nắng, kính râm, mũ…
Dưỡng ẩm
Khi da được cấp ẩm đủ sẽ vừa có tác dụng bảo vệ da, vừa hạn chế kích ứng khi dùng các bước vệ sinh, tẩy da chết. Hơn nữa, cả hai bước vệ sinh và cấp ẩm đủ cho da lại giúp da mềm mịn và căng bóng hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống