Cần thay đổi quan niệm về sách giáo khoa

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:30, 12/08/2023

Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa là chủ trương lớn trong đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng đã được quy định trong Luật Giáo dục.

Nhưng sau 3 năm triển khai chương trình mới, nhiều bất cập khiến cho câu chuyện đi tiếp hay thay đổi giữa chừng đã được đặt ra trong nhiều cuộc họp góp ý về việc này.

Sách giáo khoa nhiều lỗi, nhiều sạn, có nội dung không phù hợp gây bức xúc dư luận. Sách giáo khoa giá cao gấp 3-4 lần trước đây và việc lựa chọn sách gặp khó khăn khi quyền tập trung vào một hội đồng cấp tỉnh chứ không xuất phát từ chính những người sử dụng là giáo viên, học sinh, phụ huynh. 

Và hơn hết, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau trong một trường khiến cho phụ huynh bị rối, khó khăn khi học sinh phải chuyển trường. Đó là "những nốt trầm" trong bức tranh xã hội hóa sách giáo khoa đang diễn ra.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện bày bán đầy đủ sách giáo khoa (ảnh minh họa)

Trong báo cáo của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó có nêu vấn đề có cần thiết hay không việc sửa quy định để giao cho cơ sở giáo dục quyền lựa chọn sách giáo khoa. Và câu chuyện nên hay không Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa quốc gia lại được đặt ra.

Tại một cuộc họp với đoàn giám sát, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi ngược lại: Những căn cứ cụ thể nào để cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn một bộ sách giáo khoa, trong khi hiện đang có nhiều bộ sách rồi? Và nếu có thêm bộ sách giáo khoa của bộ biên soạn, những bất cập hiện nay có được giải quyết? 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng vấn đề không phải bộ có làm được hay không một bộ sách mà phải thận trọng vì điều này nếu triển khai sẽ là một sự thay đổi giữa chừng rất lớn, có thể gây nên những xáo trộn.

Một số ý kiến bên lề khác cũng lo ngại khi có "bộ sách giáo khoa quốc gia" thì những sách giáo khoa còn lại sẽ không ai chọn. Và điều gì sẽ xảy ra? Sẽ lại quay về thời "một bộ sách giáo khoa", thay vì "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" và lại tái diễn cảnh "độc quyền xuất bản sách giáo khoa"?

Nhưng để trả lời câu hỏi lớn này, lại phải làm rõ một vấn đề căn cốt khác: vai trò của sách giáo khoa như thế nào trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Theo các văn bản pháp lý, sách giáo khoa chỉ là một tài liệu dạy học để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng như một phương tiện trong quá trình dạy và học. Còn việc dạy học phải bám sát chương trình, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Thế nhưng trong thực tế, từ cán bộ quản lý đến giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả xã hội nói chung chỉ quan tâm đến sách mà không quan tâm đến chương trình, đến yêu cầu cần đạt của chương trình. 

Không phủ nhận sách giáo khoa xã hội hóa còn có nhiều vấn đề, nhưng rõ ràng nó đang chịu một áp lực rất lớn vì cả xã hội và nhà trường vẫn đang coi sách giáo khoa là pháp lệnh, cái để dạy-học và bắt buộc phải dạy đủ, dạy đúng trình tự.

Mặc dù "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" là xu thế giáo dục hiện đại mà nhiều quốc gia đang áp dụng, nhưng Việt Nam sẽ khó làm được nếu quan niệm về vai trò của sách giáo khoa không được thay đổi từ trong nội tại ngành giáo dục. 

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đây chưa phải đi biên soạn thêm một bộ sách mới mà cần quyết liệt trong chỉ đạo để thay đổi thực sự "điểm nghẽn" này. Tiếp đến, việc đưa sách giáo khoa vào tủ sách dùng chung, thư viện nhà trường cũng cần được thúc đẩy và giám sát về tính hiệu quả. Sách cần đưa về cho các nhà trường chọn lựa. Nếu giải quyết được ba vấn đề này, câu chuyện sách giáo khoa sẽ có lối thoát.

Nếu vẫn còn "điểm nghẽn", cách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thêm một "bộ sách quốc gia" chỉ là sự can thiệp không phù hợp vào quy luật thị trường khi đã triển khai xã hội hóa sách giáo khoa.

VĨNH HÀ