[Audio] Thờ ơ với bảo hộ lao động

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:31, 12/08/2023

6 tháng đầu năm, Hải Dương xảy ra hơn 90 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết và 34 người bị thương nặng.




Ở làng nghề mộc Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng), nhiều lao động chưa quan tâm đến trang bị bảo hộ lao động

Bảo hộ lao động giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc trong quá trình lao động, sản xuất. Thế nhưng, ở một số nơi người lao động lại thờ ơ, ngại sử dụng hoặc chủ sử dụng lao động thiếu quan tâm trang bị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Ngại dùng

Công việc hằng ngày của ông Nguyễn Văn Dân, lao động tự do ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) là cắt bê tông và uốn các thanh kim loại. Công việc này bụi bặm và nguy hiểm nếu không trang bị khẩu trang, kính mắt, găng tay nhưng ông Dân thường xuyên không sử dụng. Ông cho biết công việc thời vụ, hôm làm hôm nghỉ nên ngại mang những đồ dùng này. Ban đầu không có cũng sợ nhưng làm mãi thấy không sao nên thành quen. “Cả công trình xây dựng có mấy ai đeo khẩu trang hay găng tay. Nóng bức, chật chội, ảnh hưởng đến năng suất công việc nên chúng tôi không muốn dùng”, ông Dân nói. 

Không muốn dùng hoặc sử dụng bảo hộ lao động để đối phó với lực lượng kiểm tra diễn ra ở không ít nơi. Điều này xuất phát từ tâm lý chủ quan, coi thường tác dụng các thiết bị bảo hộ lao động. Tại làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) mặc cho bụi gỗ bay mù mịt và cưa điện lướt nhanh trên từng thớ gỗ nhưng những người thợ mộc ở đây vẫn vô tư vừa làm vừa nói chuyện không đeo khẩu trang và găng tay. 

“Chỉ vì chủ quan không mang bảo hộ mà tôi bị mất 2 ngón tay”, ông Phạm Văn Chỉnh (ở thôn Đông Giao, xã Lương Điền) nói. Những thợ mộc ở Đông Giao thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại máy móc có các lưỡi cưa, máy cắt, khoan đục sắc nhọn nên chỉ cần lơ là mà không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không những thế, người lao động còn có thể mắc một số bệnh do tiếp xúc với hóa chất, bụi gỗ, mạt cưa hay bị ảnh hưởng đến thính giác do tiếng ồn. Thực tế ở đây những thợ mộc bị mất ngón tay, bàn tay như ông Chỉnh không hiếm. 


Nhiều lao động dùng cưa, khoan, đục bê tông bụi bặm nhưng không đeo khẩu trang, găng tay

Nâng cao trách nhiệm

Theo đại diện Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn lao động phần lớn do chủ sử dụng chưa được huấn luyện đầy đủ về an toàn lao động, trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ, chưa hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất. Ngoài ra cũng có yếu tố khách quan do sự bất cẩn của chính người lao động.

6 tháng đầu năm, Hải Dương xảy ra hơn 90 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết và 34 người bị thương nặng. Các vụ tai nạn xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây tai nạn lao động tại Hải Dương là không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cá nhân. Có tới 12 vụ liên quan đến việc trang cấp bảo hộ lao động chưa đầy đủ ảnh hưởng đến an toàn lao động khi làm việc. 

Để giảm các vụ tai nạn lao động, tránh những hậu quả và hệ lụy đáng tiếc xảy ra cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng ngay từ việc trang cấp bảo hộ lao động. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của bảo hộ lao động đến những người làm công tác quản lý; người chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và cán bộ quản lý an toàn lao động của các xã, phường... Qua khóa tập huấn, các học viên đã nâng cao năng lực, hiểu biết, kiến thức, trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động, làm cơ sở thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2022, Hải Dương đã có hơn 70 doanh nghiệp được hỗ trợ, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động. Riêng 7 tháng năm nay có hàng chục doanh nghiệp được hỗ trợ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được thực hiện thường xuyên.

Năm nay, Hải Dương đặt mục tiêu có thêm 30% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh được nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động; giảm ít nhất 4% tần suất tai nạn lao động chết người… Để đạt mục tiêu này phải bắt đầu từ việc nhỏ, trang cấp đầy đủ và luôn sử dụng bảo hộ lao động đúng cách. 

Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động quy định rõ 11 phương tiện cá nhân cần thiết để bảo vệ người lao động trong quá trình sản xuất. Các phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo điều 138 Bộ luật Lao động, người lao động phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc.

BẢO ANH